Tổng quan về bệnh phong, hiểu biết và cách điều trị

New Picture 53 1

Bệnh Phong tổng quan

Bệnh phong là một bệnh nhiễm trùng kinh diễn do trực khuẩn phong Mycobacterium lepraegây nên. Bệnh tồn tại trong nhiều thế kỷ ở nước ta và là một trong những bệnh xã hội được Chính phủ, Nhà nước quan tâm đầu tư và chủ trương phải loại trừ để tiến tới thanh toán hoàn toàn. Với việc áp dụng đa hóa trị liệu từ năm 1982, bệnh phong đã được loại trừ ở hầu hết các nước trên thế giới và Việt Nam cũng đã được công nhận loại trừ bệnh phong. Hà Nội là một trong số những Tỉnh/thành đầu tiên được Bộ y tế công nhận thanh toán bệnh phong năm 1996. Trong những năm gần đây kết quả này vẫn được duy trì, nhưng mục tiêu trước mắt của chương trình phong chống phong Hà Nội là tiến tới loại trừ bệnh phong theo 04 tiêu chuẩn của Việt và dần tiến tới mục tiêu lâu dài là Thành phố không còn bệnh phong. Vì vậy, Chương trình phòng chống phong Hà Nội  cần phải có một chiến lược phù hợp nhằm mục đích duy trì các kết quả đã đạt được và tiếp tục các hoạt động phòng chống phong cho tới khi đạt được mục tiêu cuối cùng là Thành phố không còn bệnh phong.

Năm 1998, Bộ Y tế đã xuất bản cuốn “Đường lối chỉ đạo thực hiện chương trình thanh toán bệnh phong từng vùng ở Việt Nam” do Cố Giáo sư Lê Kinh Duệ soạn thảo. Nhằm hệ thống hóa và cập nhật các kiến thức mới nhất về bệnh phong và xây dựng một chương trình, chiến lược phòng chống phong phù hợp với giai đoạn mới năm 2009 Chương trình phòng chống phong Quốc Gia đã biên soạn cuốn sách “Hướng dẫn quốc gia thực hiện chương trình phòng chống bệnh phong”. Đây là tài liệu chính thống quan trọng đã được Ban Chủ nhiệm chương trình phòng chống phong Quốc Gia và Bộ Y tế thông qua.

Số nước có tỷ lệ lưu hành (TLLH) bệnh phong cao trên 1/10.000 dân số giảm một cách đáng kể: từ 122 n­ước (năm 1985) xuống còn 3 nước (năm 2008) là Brazil, Nepal và Đông Timor.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG) số bệnh nhân phong mới hàng năm giảm chậm. Bệnh nhân phong tập trung chủ yếu ở các nước châu Phi, Nam Mỹ và Đông Nam Á. Năm 2006 có 6 n­ước trên thế giới có số lượng bệnh nhân cao, chư­a đạt tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong (LTBP) của TCYTTG đó là: Brazil, Công gô, Nê pan, Madagasca, Mozambique, Tanzania.

Bệnh phong đã có từ lâu đời ở Việt Nam. Năm 1959, kết quả cuộc điều tra dịch tễ học ở các tỉnh phía Bắc cho thấy TLLH bệnh phong là 21/10.000. Năm 1976, sau khi thống nhất Bắc Nam, ngành Da Liễu thực hiện nhiều cuộc điều tra và cho thấy tỷ lệ này ở miền Nam là 30 – 40/10.000 dân. Bệnh phong ở n­ước ta được coi là một bệnh xã hội, được Chính phủ quan tâm, đầu tư­. Tuy số lượng bệnh nhân phong mới của nước ta hàng năm đã giảm hơn so với trước như­ng tính đến năm 2008, cả nước vẫn còn có 11 tỉnh/thành có TLPH cao trên 1 trường hợp/100.000 người dân (tỷ lệ cho phép d­ưới 1/100.000), đặc biệt 6 tỉnh có TLPH cao hơn 2/100.000.

 Tác nhân gây bệnh Phong

Bệnh phong do một loại vi khuẩn có tên khoa học là Mycobacterium leprae, hay còn gọi là trực khuẩn Hansen (Hansen’s bacillus – BH) gây ra. Vi khuẩn phong (M. leprae) thuộc bộ Actinomycetales, họ Mycobacteriaceae. Vi khuẩn có hình gậy thẳng (vì vậy gọi là trực khuẩn), kháng cồn, kháng axit.

Vi khuẩn phong có chiều dài từ 1-8 mm, rộng 0,2-0,5 mm, mỗi chu kỳ sinh sản là 12 – 13 ngày nên tốc độ nhân lên rất chậm. Đến nay, vi khuẩn phong chưa nuôi cấy được ở môi trường nhân tạo. Nó chỉ nhân lên được ở bàn chân chuột.

Trực Khuẩn Phong

Hình ảnh: Trực khuẩn phong bắt màu đỏ trên nền xanh ( ảnh wikipedia)

Vi khuẩn phong bị chết ở nhiệt độ 100oC. Ngoài cơ thể nó có thể sống được 1-7 ngày, đồng thời nó có thể sống trong nhiệt độ phòng khoảng 46 ngày và sống dài ngày ở quần áo, đồ vật do bệnh nhân phong sử dụng.

Nguồn Lây và Cách Truyền

Nguồn lây

Nguồn chứa vi khuẩn phong là bệnh nhân phong. Các thương tổn loét trên cơ thể bệnh nhân phong (không kể các vết loét do dinh dưỡng) có vai trò trong việc đào thải vi khuẩn phong.

Mỗi ngày một bệnh nhân phong thể u (BL, LL) hoạt tính có thể thải ra khỏi cơ thể họ 2,4 x 108 vi khuẩn.

Cách lây truyền

Đường bài xuất

Vi khuẩn phong bài xuất khỏi cơ thể người bệnh qua đường da (nhất là qua những thương tổn phong có loét), qua nước mũi. Bệnh nhân phong thể u khi hắt hơi có thể bắn vi khuẩn phong xa 1,5m.

Đường xâm nhập

Vi khuẩn phong xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua tiếp xúc da trực tiếp, đặc biệt da bị xây xát.

 Các nghiên cứu cho thấy:

Tỷ lệ mắc bệnh phong ở người tiếp xúc với bệnh nhân phong cao gấp 4 lần so với người không tiếp xúc.

Người sống trong cùng mái nhà với bệnh nhân phong tỷ lệ mắc bệnh phong cao gấp 10 lần so với người không tiếp xúc.

Nếu trong 1 căn hộ có nhiều người mắc phong thể u thì nguy cơ lây lan sẽ tăng 20 lần so với không tiếp xúc.

Yếu tố dễ mắc bệnh

Trực khuẩn phong có gây bệnh được hay không phụ thuộc vào đặc tính của vi khuẩn và tính mẫn cảm của cơ thể.

Trực khuẩn phong có tính nhiễm khuẩn và khả năng bám dính vào cơ thể chủ để sinh tồn cao, nhưng tính gây bệnh lại thấp. Vì vậy, ở vùng lưu hành dịch tễ bệnh phong cao có nhiều người nhiễm vi khuẩn phong nhưng chỉ có số ít người bị mắc bệnh phong.

Ở những người có miễn dịch qua trung gian tế bào mạnh khi tiếp xúc với bệnh phong sẽ không mắc hoặc ít khả năng mắc bệnh so với người có miễn dịch qua trung gian tế bào yếu.

Trẻ em dễ bị bệnh phong hơn người lớn và bệnh phong thường xảy ra nhất trong những năm đầu của cuộc sống.

Nam dễ mắc bệnh phong hơn nữ có thể do ở nữ giới nội tiết khác nam giới, họ có sức đề kháng với vi khuẩn phong cao hơn nam giới.

Các yếu tố khác liên quan đến yếu tố dễ mắc bệnh là chủng tộc, khí hậu, chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt. Như ở cùng một vùng miền, người dân tộc này mắc bệnh phong cao hơn người dân tộc khác hoặc người dân tộc này dễ bị phong thể u, người dân tộc khác lại dễ bị phong thể củ. Ở những nước nhiệt đới và mưa nhiều thì tỷ lệ mắc bệnh phong cao hơn các nước ôn đới và hàn đới. Những vùng có điều kiện vệ sinh, sinh hoạt bẩn dễ mắc bệnh hơn những vùng có điều kiện ăn ở sạch sẽ. Nhưng đặc biệt tuyệt đại đa số tác giả cho rằng chế độ ăn uống không liên quan đến tình trạng phát bệnh phong mà chế độ ăn uống và dinh dưỡng có liên quan đến tình trạng thuyên giảm bệnh trong thời gian điều trị.

Đặc điểm dịch tễ

Tuổi

Độ tuổi mắc bệnh phong nhiều nhất  là từ 10-25 (60%); 5-10 tuổi (8,5%); trên 25 tuổi (29%).

Tuổi phát bệnh có thể khác nhau ở những vùng miền khác nhau trên thế giới.

Giới

Nam mắc bệnh phong nhiều hơn nữ. Một nghiên cứu ở Quỳnh Lập trên 2.000 bệnh nhân phong điều trị nội trú cho thấy tỷ lệ bệnh nhân nam là 61,8%, trong khi ở nữ là 38,2%.

Đặc điểm lây truyền trong bệnh phong

Lây ít: Chỉ bệnh nhân mắc phong thể u thì mới đào thải trực khuẩn phong ra ngoài môi trường và không phải người nào bị trực khuẩn phong xâm nhập vào cơ thể cũng mắc bệnh phong. Vì vậy, so với các bệnh truyền nhiễm khác như lao, bệnh do virus thì bệnh phong lây lan ít hơn nhiều.

Lây chậm: Chu kỳ sinh sản của trực khuẩn phong là 13 ngày nên tốc độ nhân lên của trực khuẩn phong rất chậm. Thời gian ủ bệnh của bệnh phong trung bình từ 3-5 năm, thậm chí 10-20 năm. Có những người sống cùng một mái nhà với bệnh nhân phong nhưng 20 năm sau bệnh mới phát.

Lây khó: Vi khuẩn phong là một vi khuẩn ký sinh bắt buộc trong tế bào, nó chỉ nhân lên trong tế bào. Để lây lan được phải cần một lượng lớn vi khuẩn phong đào thải từ những bệnh nhân thể u, chưa được điều trị và các vi khuẩn này đột nhập qua da xây xát vào cơ thể. Nếu cơ thể không có sức đề kháng hay sức đề kháng yếu mới có khả năng bị bệnh. Như vậy, khả năng bị bệnh là rất khó.

Một số hình ảnh tổn thương da do bệnh Phong

Benh Phong C1618

Trích “Sách hướng dẫn chương trình phòng chống Phong Hà Nội”