ĐIỀU TRỊ VÀ DỰ PHÒNG BỆNH PHONG

ĐIỀU TRỊ VÀ DỰ PHÒNG BỆNH PHONG

 

  1. ĐIỀU TRỊ
  2. Nguyên tắc điều trị

– Áp dụng phác đồ đa hoá trị liệu của WHO cho bệnh nhân phong.

– Điều trị biến chứng của bệnh phong, phòng ngừa tàn tật do phong.

– Điều trị, chăm sóc và quản lý thường xuyên cho bệnh nhân phong tại địa phương.

  1. 2. Điều trị cụ thể

2.1. Theo nhóm bệnh

Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới năm 2018, điều trị bệnh phong đã được thay đổi. Sự thay đổi này dựa trên các khảo sát, nghiên cứu của các chuyên gia toàn cầu. Đặc biệt, điều trị theo phác đồ cũ, bệnh nhân kháng thuốc và tái phát vẫn xuất hiện ở một số nước. Để giảm thiểu tối đa nhược điểm này, WHO đã khuyến cáo thay đổi phác đồ điêu trị như sau:

Cả hai nhóm PB và MB điều trị bằng 3 loại thuốc là: Rifampicin, Dapson và Clofazimin với liều lượng, cách uống giống nhau. (Trước đây nhóm bệnh nhân PB chỉ điều trị 2 thuốc là Rifampicin và Dapson)

Thời gian điều trị cụ thể: 6 tháng đối với nhóm PB và 12 tháng đối với bệnh nhân thuộc nhóm MB.

Bảng 1. Các phác đồ điều trị của WHO (2018)

Nhóm tuổiThuốcLiềuThời gian
MBPB
Người lớnRifampicin600 mg/lần/tháng12 tháng6 tháng
Clofazimin300 mg/lần/tháng và 50 mg/ngày
Dapson100 mg/ngày
Trẻ em (10-14 tuổi) và > 40kgRifampicin450 mg/lần/tháng12 tháng6 tháng
Clofazimin150 mg/lần/tháng và 50 mg cách ngày
Dapson50 mg/ngày
Trẻ em < 10 tuổi

Hoặc < 40 kg

Rifampicin10 mg/kg/lần/tháng12 tháng6 tháng
Clofazimin100 mg/lần/tháng, 50 mg 2 lần/tuần
Dapson2 mg/kg/ngày

Lưu ý: trẻ em được định nghĩa là dưới 15 tuổi tại thời điểm được chẩn đoán. Đối với trẻ có trọng lượng cơ thể dưới 40kg có thể tham khảo cách tính liều sau:

– Trẻ có trọng lượng từ 20 – 40 kg:

+ Rifampin: 300 mg/tháng.

+ Clofazimin: 100 mg/lần/tháng, 50 mg 2 lần/tuần (vào các ngày cố định trong tuần, giữa các lần uống cách nhau từ 3 – 4 ngày)

+ Dapson: 25 mg/ngày (1/2 viên 50 mg)

– Trẻ có trọng lượng dưới 20 kg:

+ Rifampicin: 10 mg/kg/tháng

+ Clofazimin: 6 mg/kg/tháng, 1 mg/kg/ngày

+ Dapson: 2 mg/kg/ngày

2.2. Điều trị phong kháng thuốc

Chẩn đoán phong kháng thuốc dựa trên kết quả xét nghiệm PCR phát hiện vùng gen kháng Dapson hoặc Rifampicin của vi khuẩn.

Nguyên tắc điều trị

– Kháng rifampicin: Clofazimin kết hợp ít nhất hai loại thuốc: clarithromycin/ minocyclin và quinolon trong 6 tháng, sau đó Clofazimin kết hợp với một trong các thuốc trên trong 18 tháng tiếp theo.

– Kháng đồng thời rifampicin và ofloxacin: Phối hợp clarithromycin, minocyclin và clofazimin trong 6 tháng, sau đó clarithromycin hoặc minocyclin kết hợp clofazimin trong 18 tháng tiếp theo.

– Phác đồ điều trị cụ thể:

Bảng 2. Phác đồ khuyến cáo cho bệnh phong kháng thuốc

Loại thuốc bị khángĐiều trị
6 tháng đầu (hằng ngày)18 tháng tiếp theo (hằng ngày)
Kháng RifampicinOfloxacin 400 mg* + minocyclin 100 mg +  Clofazimin 50 mgOfloxacin 400 mg* hoặc minocyclin 100 mg + Clofazimin 50 mg
Ofloxacin 400 mg* + clarithromycin 500 mg + Clofazimin 50 mgOfloxacin 400 mg* + Clofazimin 50 mg
Kháng Rifampicin và ofloxacinClarithromycin 500 mg + minocyclin 100 mg + Clofazimin 50 mgClarithromycin 500 mg hoặc minocyclin 100 mg + Clofazimin 50 mg

* Ofloxacin 400 mg có thể thay thế bằng levofloxacin 500 mg hoặc moxifloxacin 400 mg

– Sàng lọc lao trên những bệnh nhân phong bắt đầu điều trị bằng phác đồ có các thuốc trên (do fluoroquinolon có hiệu quả chống lại vi khuẩn lao). Khi đồng mắc lao cần điều trị theo phác đồ hiệu quả với cả hai bệnh để đề phòng bệnh lao kháng thuốc.

– Theo dõi điện tâm đồ, do nguy cơ kéo dài khoảng QT và rối loạn nhịp tim khi sử dụng clarithromycin, minocyclin và quinolon.

– Theo dõi chặt chẽ và báo cáo ca bệnh phong kháng thuốc với chính quyền địa phương, Bộ Y tế và WHO.

2.3. Điều trị dự phòng

– Sử dụng rifampicin liều duy nhất (Single-dose rifampicin – SDR) điều trị dự phòng cho người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên đã hoặc đang tiếp xúc* với người mắc bệnh phong, sau khi sàng lọc bệnh phong, lao và không có các chống chỉ định.

Tiếp xúc: một người ở gần bệnh nhân phong trong một thời gian dài được coi là “tiếp xúc” với bệnh phong, có thể đã nhiễm hoặc chưa nhiễm bệnh. “Thời gian dài” được định nghĩa là tiếp xúc với bệnh nhân phong chưa điều trị trong 20 giờ mỗi tuần trong ít nhất ba tháng trong một năm.

Bảng 3. Liều duy nhất rifampicin (SDR)

Tuổi/cân nặngRifampicin liều duy nhất
≥ 15 tuổi600 mg
10-14 tuổi450 mg
Trẻ em 6-9 tuổi (≥20kg)300 mg
Trẻ em <20kg (≥ 2 tuổi)10-15 mg/kg
  1. II. DỰ PHÒNG

Phòng ngừa bệnh phong thông qua dự phòng miễn dịch (vắc-xin):

– BCG khi sinh làm tăng tác dụng bảo vệ của SDR ở những người tiếp xúc từ 57% đến 80% .

– Tiêm lại BCG (liều BCG thứ hai sau liều khi sinh) hiệu quả không rõ ràng.