ĐIỀU TRỊ VÀ DỰ PHÒNG BỆNH GHẺ
- ĐIỀU TRỊ
1.1. Nguyên tắc điều trị
– Bệnh nhân và những người tiếp xúc gần bệnh nhân cần được điều trị đồng thời (dù có triệu chứng hay không).
– Vệ sinh đồ dùng để hạn chế lây nhiễm: Giặt, phơi, luộc quần áo, chăn đệm, màn, đồ dùng.
– Ngứa có thể kéo dài thêm 1-2 tuần sau khi kết thúc quá trình điều trị hiệu quả.
1.2. Điều trị cụ thể
1.2.1. Điều trị tại chỗ
– Lựa chọn thứ nhất:
+ Permethrin 5%: là thuốc điều trị ghẻ hiệu quả và an toàn. Dạng kem hoặc dạng xịt được sử dụng ở tất cả các vùng của cơ thể từ cổ trở xuống. Sau 8-12 giờ tắm rửa lại. Thuốc ít có tác dụng phụ, có thể gặp kích ứng nhẹ tại chỗ xoa thuốc. Có thể nhắc lại sau 7-14 ngày. Thuốc được cho là an toàn cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú và được phép dùng cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên.
+ Lotion benzyl benzoat 10-25% dùng vào buổi đêm trong 2 ngày liên tiếp, có thể nhắc lại sau 7 ngày.
+ Malathion 0,5% lotion có thể sử dụng nếu không dung nạp với kem permethrin. Bôi toàn bộ cơ thể, tắm lại sau 24h, có thể lặp lại sau 1 tuần. Thuốc có thể gây viêm da kích ứng, đặc biệt là trên mặt và cơ quan sinh dục.
– Lựa chọn thứ hai:
+ Dung dịch DEP (Diethyl – phtalat) bôi lên tổn thương mụn nước tối trước khi đi ngủ.
+ Crotamiton 10% cream: Thoa lớp kem mỏng lên toàn bộ cơ thể từ cổ xuống, bôi liên tiếp 2 đêm, tắm rửa sạch sau 24 tiếng sau khi bôi lần 2.
+ Sulfur 2-10% in petrolatum: Bôi lên da từ 2 đến 3 ngày.
+ Benzyl benzoat kết hợp với sulfiram.
+ Sulfiram 25% lotion: có thể tác dụng tương tự như thuốc điều trị nghiện rượu; không được uống đồ uống có cồn trong ít nhất 48 giờ.
+ Ivermectin 0,8% lotion.
1.2.2. Điều trị toàn thân
– Ivermectin đường uống:
+ Liều dùng: 200 μg/kg; chỉ sử dụng liều duy nhất. Thuốc không dùng cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú và trẻ em dưới 15kg.
+ Liều lặp lại sau 1-2 tuần nếu cần thiết
– Thuốc điều trị triệu chứng:
+ Kháng histamin: dùng để giảm triệu chứng ngứa.
+ Kháng sinh: khi có bội nhiễm.
1.2.3 Điều trị ghẻ ở những trường hợp đặc biệt:
– Ghẻ vảy:
+ Ngâm, tắm toàn thân, bôi mỡ salicylic để bong sừng, sau đó bôi thuốc ghẻ. Bôi thuốc trị ghẻ nhiều lần lên da.
+ Ivermectin đường uống kết hợp với liệu pháp bôi thuốc là phương pháp hiệu quả nhất.
+ Kiểm soát lây nhiễm: cách ly bệnh nhân, vệ sinh nơi ở, điều trị dự phòng đối với những người đã tiếp xúc với bệnh nhân.
– Ghẻ chàm hóa:
+ Kháng histamin: dùng thuốc kháng histamin an thần như hydroxyzin, doxepin, hoặc diphenhydramin khi đi ngủ.
+ Thuốc mỡ corticosteroid: bôi các tổn thương viêm da chàm hóa do ghẻ.
– Ghẻ bội nhiễm: điều trị với thuốc mỡ mupirocin, acid fusidic. Có thể dùng thêm các loại thuốc kháng sinh đường toàn thân nếu cần.
– Sẩn ghẻ: có thể tồn tại cùng với ngứa đến một năm sau khi loại bỏ ghẻ. Có thể sử dụng triamcinolon tiêm nội tổn thương, 5-10 mg/ml trên từng tổn thương; lặp lại mỗi 2 tuần (nếu cần thiết); thuốc mỡ corticosteroid phối hợp axit salicylic…
- PHÒNG BỆNH
– Vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Giáo dục cộng đồng, giữ vệ sinh da, diệt nguồn ghẻ sinh sống, tắm, thay đồ hàng ngày, dọn sạch giường, giặt chăn màn.
– Khi bị ghẻ cần điều trị sớm, tránh tiếp xúc với người xung quanh trong thời gian điều trị.
– Giáo dục đối tượng có nguy cơ tránh tiếp xúc. Khi phát hiện ra có người trong gia đình bệnh nhân ghẻ cần điều trị sớm, tránh tiếp xúc và dùng chung các đồ dùng của người bị bệnh.
– Chẩn đoán sớm, điều trị đầy đủ, thích hợp.
– Điều trị biến chứng, phòng tái phát.