Nhiễm độc da do thuốc là những biểu hiện rất thường gặp, đặc biệt ở những trường hợp dùng thuốc không đúng chỉ định, không theo hướng dẫn. Loại nhiễm độc này có thể nhẹ và sẽ khỏi sau khi ngừng thuốc, nhưng cũng có trường hợp nhiễm độc nặng gây tử vong. Chính vì vậy cần chú ý đến phương pháp điều trị và phòng bệnh như sau:
Điều trị
Trong điều trị nhiễm độc da dị ứng thuốc tại bệnh viện, một vấn đề mang tính nguyên tắc cần được lưu ý là khuyến cáo tuyệt đối không để người bệnh tiếp xúc với loại thuốc điều trị và phòng bệnh đã gây ra hiện tượng dị ứng cho bản thân bệnh nhân, đồng thời hạn chế dùng các loại thuốc khác có nguy cơ cao dị ứng chéo.
Về phương pháp điều trị, có thể cho bệnh nhân dùng các loại thuốc chống dị ứng kháng Histamin anti H1 thế hệ 2 như Fexofenadin, Cetirizin, Rupatadin, Loratadin, Desloratadin astemizol… Đối với trường hợp dị ứng thuốc nghiêm trọng có thể sử dụng kết hợp với thuốc corticoid như Prednisolon hoặc Methylprednisolon tiêm truyền, đồng thời có thể phối hợp với một số loại thuốc điều trị triệu chứng khác.
Trong trường hợp nhiễm độc da dị ứng thuốc gây tổn thương da nặng như hội chứng Lyell, hội chứng Stevens-Johnson cần tiến hành điều trị hỗ trợ bằng cách bù dịch, chăm sóc các vết da bọng nước, giảm đau và điều trị dự phòng bội nhiễm cơ thể.
Trong một vài trường hợp cần tiến hành bù nước và điện giải khi nếu cần thiết, kể cả thuốc lợi tiểu. Nếu xảy ra hiện tượng bội nhiễm thì cho người bệnh dùng thuốc kháng sinh thích hợp và đảm bảo sử dụng một cách an toàn, hợp lý.
Để phòng ngừa hiện tượng sốc phản vệ có thể xảy ra, bác sĩ cần xử trí kịp thời các trường hợp bệnh nhân bị đỏ da, hội chứng Lyell, hội chứng Stevens-Johnson để giảm thiểu các rủi ro.
Tóm lại, nhiễm độc da do thuốc là một trong những biến chứng dễ xảy ra trong quá trình điều trị, gây ra những triệu chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong. Do đó, nếu thấy cơ thể xuất hiện dấu hiệu bất thường sau khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào đó, bạn hãy ngưng dùng thuốc và báo ngay cho bác sĩ điều trị để được xử trí kịp thời.
Phòng bệnh
– Phòng bệnh cấp 1: Bệnh nhân trong gia đình có người đã bị nhiễm độc thuốc nên cẩn thận khi dùng thuốc dù mới lần đầu. Khi dùng thuốc có chỉ định: cần kiểm tra huyết đồ, chức năng gan, G6PD.
– Phòng bệnh cấp 2: Khi bệnh nhân bị nhiễm độc thuốc cần ngưng ngay những thuốc nghi ngờ; thận trọng khi dùng thuốc; chỉ dùng những thuốc thật cần thiết.
– Phòng bệnh cấp 3: Trường hợp nặng, tỏa lan và biến chứng vào nội tạng phải được điều trị và theo dõi tại cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu.
Cách dự phòng tốt nhất là không nên dùng thuốc bừa bãi vì ngoài tác dụng trị bệnh, thuốc còn có tác dụng độc hại.