CẤY CHỈ HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ BỆNH VẢY NẾN

6

CẤY CHỈ HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ BỆNH VẢY NẾN

 

  1. ĐẠI CƯƠNG

Y học cổ truyền gọi bệnh vảy nến là Bạch sang hay Tùng bì tiễn, là một bệnh ngoài da mạn tính hay tái phát. Nguyên nhân do huyết nhiệt, cảm phải phong tà gây bệnh ở ngoài da, lâu ngày phong huyết táo không dinh dưỡng da gây bệnh vảy nến.

Y học cổ truyền cho rằng do phong tà xâm phạm vào cơ thể trên một cơ địa huyết nhiệt, lâu ngày phong làm cho huyết khô táo (huyết táo), da khô vì không được dinh dưỡng và gây ra vảy nến. Bệnh hay phát, gặp ở da đầu và tứ chi, thường ở phần kinh dương, nặng có thể phát ra toàn thân, có thể thấy kèm theo xưng đau các khớp tay chân.

Cấy chỉ (chôn chỉ, vùi chỉ, xuyên chỉ ) là phương pháp châm cứu kết hợp cổ truyền và hiện đại, được tiến hành bằng cách đưa chỉ tự tiêu vào huyệt theo lý luận của đông y, qua đó tạo kích thích và duy trì kích thích lâu dài giúp phòng và chữa bệnh.

  1. CHỈ ĐỊNH

Bệnh nhân bị bệnh vảy nến.

  1. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Bệnh nhân bị bệnh vảy nến kèm theo bội nhiễm nặng.

– Các bệnh cấp cứu.

– Cơ thể suy kiệt, phụ nữ có thai.

– Da vùng huyệt bị viêm nhiễm hoặc mắc bệnh ngoài da.

– Dị ứng với chỉ tự tiêu.

  1. CÁC HUYỆT VỊ THƯỜNG DÙNG

Phương pháp điều trị chính là phù trợ chính khí, trừ tà, điều hòa khí – huyết, phối hợp với sử dụng các thuốc tân dược nhằm hỗ trợ, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh. Tùy tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc chọn công thức huyệt cấy chỉ phù hợp với từng thể lâm sàng của bệnh.

4.1 Thể phong huyết nhiệt

– Triệu chứng: Mặt da nổi lên sẩn đỏ hoặc tím, có thể nhỏ như đinh ghim, có thể tụ lại thành từng đám, mảng; bề mặt da tăng sinh nhiều tầng, trắng như sáp nến, ngứa nhiều, sau khi bong đi để lại lớp da đỏ và có điểm xuất huyết nhỏ, chất lưỡi thường đỏ, rêu lưỡi hơi vàng; mạch huyền sác.

– Pháp chữa: khu phong, thanh nhiệt, lương huyết.

– Phương huyệt: Khúc trì, Hợp cốc, Nội đình, Phong trì, Phong môn, Huyết hải, Tam âm giao, Túc tam lý, Phi dương.

4.2 Thể phong huyết táo

– Triệu chứng: Thời kỳ này, ngứa giảm, hầu như không ngứa; tổn thương da thu nhỏ hơn, có chỗ tự tiêu đi hoàn toàn (biến mất đột ngột hoặc từ từ), chỉ còn lại mặt da trắng bạc phẳng; ăn uống, đại tiểu tiệnvà mọi sinh hoạt trong thời kỳ này hầu như bình thường; rêu lưỡi vàng mỏng, chất lưỡi hồng nhợt; mạch đới huyền hoặc huyền mà tế.

– Pháp chữa: dưỡng huyết, nhuận táo, khu phong.

– Phương huyệt: Huyết hải, Tam âm giao, Nội quan, Thần môn, Thái xung, Thái khê, Phong trì.

  1. LIỆU TRÌNH ĐIỀU TRỊ

Mỗi lần cấy chỉ tự tiêu có tác dụng trong khoảng 7 – 14 ngày, sau thời gian tự tiêu của chỉ có thể thực hiện liệu trình tiếp theo.

  1. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

6.1. Theo dõiToàn trạng người bệnh 15-30’ sau khi cấy chỉ.

6.2. Xử trí tai biến:

– Chảy máu: Dùng bông gạc khô vô khuẩn ấn tại chỗ, không day.

– Đau sưng nơi cấy chỉ: chườm đá, dùng thuốc chống viêm phù nề hoặc kháng sinh (nếu cần).

– Dị ứng: dùng thuốc chống dị ứng.

– Vựng châm: Xử lý theo phác đồ vựng châm.