CHẨN ĐOÁN RÁM MÁ
- Triệu chứng lâm sàng
– Tổn thương cơ bản: các dát tăng sắc tố màu nâu, nâu đen, xanh đen; đồng đều hoặc không; ranh giới thường không rõ; không ngứa, không đau; đối xứng ở hai bên gò má, thái dương, trán, mũi, cằm.
– Tổn thương tăng đậm về mùa xuân hè, giảm về mùa thu đông.
– Phân loại: có nhiều cách phân loại rám má.
+ Dựa vào vị trí tổn thương: thể trung tâm (tổn thương ở trán, má, môi trên, mũi, cằm); thể má và mũi; thể góc hàm.
+ Phân loại theo độ sâu của tổn thương (Gilchrest 1977): thượng bì, trung bì, hỗn hợp.
+ Phân loại theo mức độ nặng: dựa theo thang điểm MSS (Melasma Severity Scale) và MASI (Melasma area and severity index).
- Cận lâm sàng
– Đèn Wood: giúp xác định vị trí tăng sắc tố ở trung bì hay thượng bì.
– Dermoscopy: rám má thượng bì quan sát bằng ánh sáng không phân cực thấy hình ảnh tăng sắc tố màu nâu, không đồng đều. Rám má ở trung bì quan sát bằng ánh sáng phân cực thấy hình ảnh tăng sắc tố màu xám xanh hoặc xám nâu, không đồng đều; rám má hỗn hợp có cả 2 đặc điểm trên. Ngoài ra, có thể quan sát thấy sự thay đổi về phân bố và hình thái mạch máu.
– Mô bệnh học:
+ Độ dày của thượng bì hoàn toàn bình thường.
+ Tăng sắc tố thượng bì và/hoặc trung bì.
+ Số lượng tế bào sắc tố bình thường hoặc tăng nhẹ.
+ Có thể thấy tế bào đại thực bào chứa các hạt sắc tố ở trung bì.
- Chẩn đoán xác định:
Dựa vào:
– Lâm sàng
– Cận lâm sàng
- Chẩn đoán phân biệt
– Tăng sắc tố sau viêm
– Bớt tăng sắc tố, đặc biệt bớt Hori.
– Tàn nhang.
– Dày sừng da dầu.
– Tăng sắc tố do các bệnh da khác.