Herpes là tên gọi của một chủng virus lây truyền qua hình thức tiếp xúc trực tiếp và gây nên các bệnh ngoài da; virus có ái lực (thích) da và thần kinh.
Con đường lây nhiễm
HSV-1 chủ yếu lây truyền qua tiếp xúc với virus ở vết loét, nước bọt hoặc bề mặt trong hoặc xung quanh miệng. Ít phổ biến hơn, HSV-1 có thể được truyền đến vùng sinh dục thông qua tiếp xúc miệng – bộ phận sinh dục để gây mụn rộp sinh dục. Nó có thể lây truyền từ miệng hoặc bề mặt da trông bình thường; tuy nhiên, nguy cơ lây truyền lớn nhất là khi có vết loét. Những người đã nhiễm HSV-1 không có nguy cơ tái nhiễm, nhưng họ vẫn có nguy cơ nhiễm HSV-2.
HSV-2 chủ yếu lây truyền khi quan hệ tình dục qua tiếp xúc với bề mặt bộ phận sinh dục hoặc hậu môn, da, vết loét hoặc chất dịch của người bị nhiễm virus. HSV-2 có thể lây truyền ngay cả khi da trông bình thường và thường lây truyền khi không có triệu chứng.
Trong một số ít trường hợp, mụn rộp (HSV-1 và HSV-2) có thể truyền từ mẹ sang con trong khi sinh, gây ra mụn rộp ở trẻ sơ sinh.
Phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm herpes
Theo các chuyên gia sức khỏe, tình trạng nhiễm herpes không được xem là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, mặc dù đây là tình trạng kéo dài suốt đời. Để phòng tránh nguy cơ lây truyền herpes, bạn hãy:
- Nếu đang có triệu chứng mụn rộp miệng nên tránh tiếp xúc bằng miệng với người khác (bao gồm cả quan hệ tình dục bằng miệng) và dùng chung đồ vật có dính nước bọt như bàn chải đánh răng, dao cạo râu.
- Những người có triệu chứng mụn rộp sinh dục nên kiêng quan hệ tình dục khi đang có các triệu chứng.
- Rửa tay kỹ sau khi chạm vào vết loét hoặc bôi thuốc. Bên cạnh đó, bạn cần dùng tăm bông bôi thuốc để giảm tiếp xúc với vết loét.
- Đối với những người quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, sử dụng bao cao su thường xuyên và đúng cách là cách tốt nhất để ngăn ngừa mụn rộp sinh dục và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Tuy nhiên, nhiễm HSV vẫn có thể xảy ra khi tiếp xúc với bộ phận sinh dục hoặc hậu môn không được bao cao su bảo vệ.
- Những người có triệu chứng gợi ý mụn rộp sinh dục nên được xét nghiệm HIV.
- Phụ nữ mang thai có triệu chứng mụ rộp sinh dục nên thông báo cho bác sĩ. Việc ngăn ngừa nhiễm HSV-2 là đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ trong giai đoạn cuối thai kỳ bởi nguy cơ mắc bệnh mụn rộp ở trẻ sơ sinh là lớn nhất.
Biện pháp khắc phục bệnh tại nhà
Theo các chuyên gia sức khỏe, trường hợp bị các vết loét sinh dục, bạn nên tắm nước ấm để có thể giúp giảm bớt cơn đau. Bên cạnh đó, có khá nhiều biện pháp khắc phục tại nhà mà bạn có thể áp dụng nhằm giúp giảm đau và giảm cảm giác khó chịu liên quan đến mụn rộp, chẳng hạn như:
- Chườm ấm hoặc lạnh
- Bôi hỗn hợp baking soda hoặc bột ngô và nước
- Hỗn hợp tỏi nghiền và dầu ô liu
- Bôi gel lô hội
- Bôi tinh dầu tràm trà, khuynh diệp hoặc bạc hà (luôn pha loãng với dầu nền trước khi thoa).