ĐIỀU TRỊ VÀ DỰ PHÒNG VIÊM DA TIẾP XÚC
- ĐIỀU TRỊ
1.1. Nguyên tắc điều trị
– Tìm và loại bỏ được căn nguyên gây bệnh.
– Điều trị phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh, mức độ bệnh.
– Hồi phục hàng rào bảo vệ da.
1.2. Điều trị cụ thể
1.2.1. Viêm da tiếp xúc dị ứng
– Trường hợp cấp tính, khu trú
+ Corticosteroid tại chỗ.
- Các vùng da mặt duỗi, bàn tay, bàn chân: Dùng corticosteroid tại chỗ loại mạnh. Thuốc được bôi 1-2 lần/ngày trong 2-4 tuần hoặc cho tới khi lành thương tổn. Chú ý các tác dụng phụ của thuốc như teo da, giãn mạch.
- Mặt và các vùng da mặt gấp: Dùng corticosteroid tại chỗ loại trung bình tới nhẹ. Thuốc được dùng 1-2 lần/ngày trong 1-2 tuần. Sau đó có thể dùng 2 ngày 1 lần trong 2 tuần tiếp theo.
+ Chẹn calcineurin tại chỗ (tacrolimus, pimecrolimus) là một lựa chọn thay thế cho corticosteroid ở những người bệnh cần được tiếp tục điều trị lâu dài (trên 2 tuần). Thuốc được dùng 2 lần/ngày cho tới khi cải thiện thương tổn, sau đó giảm dần số lần bôi. Tác dụng phụ hay gặp là nóng, rát, châm chích tại chỗ nhưng không gây teo da.
+ Các điều trị khác: kem dưỡng ẩm có thể được dùng nhiều lần trong ngày; dung dịch Jarish dùng để đắp vùng thương tổn ướt, rỉ dịch, nhiều vảy tiết; kháng histamin uống để giảm ngứa; kháng sinh tại chỗ và/hoặc toàn thân được sử dụng nếu có bội nhiễm.
– Trường hợp lan tỏa, nặng hoặc không ổn định
Khi có trên 20% diện tích cơ thể bị ảnh hưởng hoặc liên quan tới vùng mặt, bàn tay, bàn chân hoặc vùng sinh dục, corticosteroid toàn thân được dùng như là lựa chọn thứ nhất. Sử dụng prednisolon, hoặc hoạt chất corticosteroid tương đương, liều 0,5-1 mg/kg/ngày (tối đa 60 mg/ngày) trong 7 ngày. Sau đó, liều thuốc được giảm 50% trong mỗi 5-7 ngày tiếp theo rồi dừng sau 2 tuần.
– Trường hợp mạn tính
+ Hàng rào bảo vệ da bị hỏng, teo da do tác dụng phụ của corticosteroid tại chỗ là một biến chứng hay gặp. Điều trị trường hợp mạn tính nhằm tối thiểu hóa việc sử dụng thuốc kéo dài trên 2-4 tuần. Các loại kem dưỡng ẩm không có dị nguyên được sử dụng tích cực bên cạnh việc dùng thuốc.
+ Sử dụng ngắt quãng corticosteroid tại chỗ: Dùng loại mạnh trong kiểm soát VDTXDƯ mạn tính ở bàn tay, bàn chân và các mặt duỗi. Thuốc được dùng ngày 1 lần trong 7-10 ngày đầu tiên, sau đó cách ngày, không nên dùng thuốc kéo dài quá 4 tuần. Trong trường hợp tái phát, có thể dùng nhắc lại.
+ Tacrolimus tại chỗ: Nên sử dụng trong trường hợp VDTXDƯ mạn tính ở mặt và các nếp kẽ, hoặc trường hợp không đáp ứng với corticosteroid tại chỗ. Tacrolimus 0,1% hoặc 0,03% được dùng 1-2 lần/ngày cho tới khi lành và nhắc lại nếu tái phát.
+ Có thể dùng thuốc kháng histamin để giảm ngứa. Sử dụng kháng sinh tại chỗ và/hoặc toàn thân nếu có bội nhiễm.
+ Lựa chọn cho VDTXDƯ mạn tính không đáp ứng với các phương pháp trên gồm:
- Liệu pháp ánh sáng: tia cực tím (ultra violet-UV) B dải hẹp, UVA phối hợp với psoralen (PUVA)
- Các thuốc ức chế miễn dịch toàn thân khác: methotrexat, azathioprin, mycophenolat mofetil, và cyclosporin.
1.2.2. Viêm da tiếp xúc kích ứng
– Chất dưỡng ẩm: Chất giữ ẩm, chất làm mềm da, chất tạo độ ẩm cho da được sử dụng như liệu pháp đầu tay.
+ Chất giữ ẩm như axit lactic, urê, glycerin hoặc axit sorbic giúp hút nước, hydrat hóa lớp sừng.
+ Chất làm mềm da (petrolatum, lanolin, dầu khoáng) hoạt động bằng cách làm chậm quá trình mất nước qua da, đồng thời dưỡng ẩm cho da.
+ Các chất tạo độ ẩm cho da: Kem dưỡng ẩm, chất làm mềm, chất tạo độ ẩm cho da có thể được sử dụng nhiều lần trong ngày trên vùng da bị ảnh hưởng hoặc các khu vực tiếp xúc
– Corticosteroid tại chỗ: Chế phẩm dạng mỡ được sử dụng nhiều hơn dạng kem.
+ Trường hợp nặng, ở các vùng da ngoài mặt và không phải mặt gấp: Sử dụng corticosteroid cực mạnh, ngày 1-2 lần trong 2-4 tuần.
+ Trường hợp nhẹ, ở các vùng da ngoài mặt và không phải mặt gấp: Sử dụng corticosteroid loại mạnh, ngày 1-2 lần trong 2-4 tuần.
+ Trường hợp ở mặt và các mặt gấp: Sử dụng corticosteroid loại trung bình tới nhẹ, ngày 1-2 lần trong 1-2 tuần.
- PHÒNG BỆNH
– Tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng, kích ứng; dùng đồ bảo hộ phù hợp khi làm việc trong môi trường có chất kích ứng hoặc dị nguyên nghi ngờ; tư vấn nghề nghiệp phù hợp cho người bệnh.
– Xác định cơ địa nhạy cảm bằng cách đo độ đỏ của da, độ mất nước qua da hoặc dùng test áp để sàng lọc sự kích ứng của sản phẩm định dùng, đồng thời thăm dò phản ứng dị ứng của cơ thể.
– Dùng kem bảo vệ, sản phẩm làm sạch thích hợp, tránh tắm rửa quá nhiều.
– Thường xuyên bôi kem làm ẩm, nhất là sau khi làm việc, để chống nứt, khô da, tránh sự xâm nhập của các chất kích ứng, dị ứng.