ĐIỀU TRỊ VÀ DỰ PHÒNG VẢY NẾN THỂ MỦ
- ĐIỀU TRỊ
1.1. Nguyên tắc điều trị
– Điều trị tấn công giai đoạn bùng phát và điều trị duy trì ở giai đoạn ổn định để ngăn ngừa các đợt bùng phát bệnh trong tương lai.
– Xác định và loại bỏ yếu tố khởi phát.
– Kết hợp điều trị tại chỗ và toàn thân.
– Điều trị và phòng ngừa các biến chứng nặng: rối loạn nước điện giải, bội nhiễm, tăng cường dinh dưỡng, …
1.2. Điều trị cụ thể
1.2.1. Điều trị vảy nến thể mủ toàn thân
Sơ đồ điều trị vảy nến thể mủ toàn thân
– Điều trị toàn thân
+ Cyclosporin: Liều điều trị 2,5- 5 mg/kg/ngày cho đến khi kiểm soát được bệnh thì hạ dần liều trong vòng 2-3 tháng sau đó dừng và chuyển sang thuốc điều trị duy trì khác.
+ Thuốc ức chế IL-36: spesolimab
- Điều trị đợt bùng phát liều tĩnh mạch 900 mg truyền trong 90 phút, nếu các triệu chứng không thuyên giảm bổ sung thêm 1 liều tương tự sau 1 tuần.
- Điều trị giai đoạn ổn định: 300mg hoặc 150mg tiêm dưới da hàng tháng hoặc mỗi 3 tháng tuỳ mức độ bệnh.
+ Ức chế IL17
- Secukinumab: tiêm dưới da 300mg tại các tuần 0,1,2,3,4, sau đó là 300mg mỗi 4 tuần; liều 150mg có thể có tác dụng ở một số bệnh nhân.
- Ixekizumab: tiêm dưới da 160 mg tại tuần 0 sau đó là 80mg tại tuần 2,4,6,8,10 và 12 sau đó 80mg mỗi 4 tuần.
- Brodalumab: tiêm dưới da 210mg tại tuần 0,1,2 và sau mỗi 2 tuần.
+ Thuốc ức chế IL-23
- Ustekinumab: bệnh nhân nặng dưới 100kg tiêm dưới da 45mg tại tuần 0,4 và sau mỗi 12 tuần, đối với bệnh nhân nặng trên 100kg tăng liều lên 90 mg mỗi lần tiêm.
- Guselkumab: tiêm dưới da 100mg tại tuần 0,4 và sau mỗi 8 tuần
+ Thuốc ức chế TNF-α:
- Infliximab: Liều dùng truyền tĩnh mạch 5 mg/kg ở tuần 0,2,6 và mỗi 6-8 tuần sau đó
- Etanercept: <63kg: 0,8 mg/kg/1 lần mỗi tuần, ≥63 kg: 50 mg một lần mỗi tuần
+ Acitretin: Liều khởi đầu 0,5-1mg/kg cân nặng thường bắt đầu đáp ứng sau 7-10 ngày và đạt hiệu quả hoàn toàn sau 2-3 tháng, khi đạt được cải thiện có thể giảm liều.
+ Methotrexat: Liều tối đa: 15-25mg/tuần tuy nhiên nên khởi đầu với liều thấp 5-10mg/tuần trước sau đó tăng liều dần, đối với người cao tuổi hoặc suy thận liều khởi đầu không quá 10mg/tuần.
+ Điều trị ánh sáng: UVA, PUVA
+ Corticosteroid: corticosteroid giúp kiểm soát nhanh chóng triệu chứng của vảy nến thể mủ toàn thân nhưng cũng là nguyên nhân gây tái phát bệnh khi ngừng thuốc do đó không nên sử dụng, chỉ sử dụng trong các trường hợp có biến chứng hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển hoặc có chống chỉ định với những thuốc khác. Chỉ dùng ngắn ngày và cần kết hợp với các liệu pháp khác để hạn chế sự bùng phát của bệnh khi giảm liều.
+ Một số thuốc khác: phương pháp gạn bạch cầu hạt và bạch cầu đơn nhân, anakinra, canakinumab, mycophenolat mofetil, kẽm uống, dapson và apremilast.
– Điều trị tại chỗ
Các thuốc điều trị tại chỗ được sử dụng phối hợp với các thuốc điều trị toàn thân bao gồm:
+ Kem dưỡng ẩm: giúp làm dịu, bong vảy
+ Corticosteroid bôi
+ Tacrolimus bôi
+ Calcipotriol bôi
– Điều trị hỗ trợ
Trong đợt cấp, ở các trường hợp nặng cần nhập viện theo dõi và kiểm soát các rối loạn kèm theo nếu có:
+ Kiểm soát nhiệt độ
+ Kiểm soát rối loạn nước điện giải
+ Bồi phụ albumin
+ Điều chỉnh rối loạn chức năng gan thận….
1.2.2. Điều trị vảy nến thể mủ khu trú
– Lựa chọn thứ 1:
+ Tổn thương khu trú: corticosteroid đơn độc hoặc phối hợp calcipotriol bôi
+ Tổn thương lan rộng: acitretin hoặc ánh sáng trị liệu kết hợp với corticosteroid bôi.
– Lựa chọn thứ 2: Nếu thất bại với các phương pháp trên lựa chọn RePuva hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác: cyclosporin, methotrexat, …
– Lựa chọn thứ 3: Nếu thất bại với các phương pháp trên, thuốc sinh học là lựa chọn tiếp theo.
- PHÒNG BỆNH
– Phát hiện loại bỏ và hạn chế các yếu tố nguy cơ gây bùng phát bệnh.
– Bệnh nhân vảy nến thông thường cần được thăm khám, điều trị đúng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để tránh tiến triển thành vảy nến thể mủ.
– Thăm khám định kì theo hẹn.
– Xét nghiệm gen cho các đối tượng nguy cơ.