ĐIỀU TRỊ VÀ DỰ PHÒNG BỆNH MÀY ĐAY

Logo Bv Tron

ĐIỀU TRỊ VÀ DỰ PHÒNG BỆNH MÀY ĐAY

 

  1. 1. ĐIỀU TRỊ

1.1. Nguyên tắc điều trị

– Tìm nguyên nhân và loại trừ nguyên nhân (nếu có).

– Điều trị theo thể bệnh.

1.2. Điều trị cụ thể

1.2.1. Điều trị mày đay cấp tính

– Chỉ định nhập viện:

+ Phù mạch ở lưỡi

+ Đau bụng

– Mày đay cấp nặng: số sẩn phù ≥ 50 nốt/24 giờ và/hoặc phù mạch:

+ Kháng Histamin: 2 – 4 liều tiêu chuẩn trong 10 ngày.

+ Corticosteroid: liều tương đương methylprednisolon người lớn: 16-32mg/ngày, trẻ em ≤ 12 tuổi: 0,5 – 1 mg/kg/ngày trong 5 ngày.

– Mày đay cấp thông thường: kháng histamin liều tiêu chuẩn trong vòng 10 ngày.

1.2.2. Điều trị mày đay mạn tính

– Lựa chọn thứ nhất: Thuốc kháng histamin H1 thế hệ 2: fexofenadin, desloratadin, loratadin, cetirizin, bilastin, rupatadin…

+ Điều trị khởi đầu bằng liều chuẩn của thuốc, và theo dõi đáp ứng điều trị. Sau 2 – 4 tuần không có đáp ứng, cân nhắc tăng liều kháng histamin (theo nghiên cứu có thể tăng liều gấp 4 lần bình thường mà không gây tác dụng phụ).

+ Kháng histamin được cho thấy có hiệu quả nếu sử dụng hàng ngày (khác với việc sử dụng khi cần) và nếu đạt được kiểm soát bệnh, nên duy trì liều kháng histamin hiệu quả trong vài tuần đến 1 tháng. Đối với mày đay mạn cần duy trì kéo dài hơn tùy theo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.

+ Việc kết hợp 2 loại kháng histamin H1 được cho là không có lợi ích so với sử dụng 1 loại đơn độc.

– Lựa chọn thứ hai: omalizumab được FDA cho phép sử dụng điều trị mày đay mạn tính với liều 150 – 300mg tiêm dưới da mỗi 4 tuần cho trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với kháng histamin liều gấp 4 lần liều tiêu chuẩn sau 2 – 4 tuần.

– Lựa chọn thứ ba: cyclosporin được lựa chọn cho mày đay mạn với liều 3 – 5mg/kg/ngày khi bệnh nhân không đáp ứng với liệu pháp kháng histamin H1 thế hệ 2 và omalizumab (trong 6 tháng). Cần theo dõi và cân nhắc tác dụng phụ của cyclosporin khi dùng thuốc.

– Các lựa chọn khác:

+ Kháng leukotrien: như montelukast, đồng thuận mới nhất 2017 chứng minh thuốc ít có tác dụng trong điều trị mày đay mạn tính.

+ Corticosteroid ngắn ngày: được chỉ định trong trường hợp mày đay nặng, mày đay cấp tính có nguy hiểm đến tính mạng. Liều khuyến cáo 0,3 – 0,5 mg/kg trong 10 – 14 ngày. Sử dụng kéo dài corticosteroid không được khuyến cáo do nhiều tác dụng phụ.

– Điều trị trên đối tượng phụ nữ có thai và cho con bú: cetirizin là kháng histamin được lựa chọn hàng đầu.

– Điều trị hỗ trợ: dưỡng ẩm, làm dịu da tránh yếu tố kích thích. Bột talc xoa da giảm ngứa, giảm cào gãi.

– Hạ sốt, kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn trong trường hợp mày đay nhiễm khuẩn.

 

Hình 1. Phác đồ điều trị mày đay mạn tính

2

  1. PHÒNG BỆNH

– Tránh các tác nhân nghi ngờ gây bệnh hoặc làm khởi phát mày đay.

– Tránh cào gãi

– Dùng thuốc theo đơn, không tự ý ngừng thuốc.