I. Đại cương
Trứng cá theo y học cổ truyền gọi là “Phấn thích”, là bệnh thường gặp nhất ở tuổi dạy thì cả nam và nữ, bệnh còn gặp ở thời kỳ tiền mãn kinh của phụ nữ. Bệnh ở bên ngoài (hệ thống bì phu tấu lý) nhưng có liên quan mật thiết tới bên trong (tạng phủ). Hình thái lâm sàng đa dạng, tùy theo nguyên nhân mà có biểu hiện lâm sàng ở một vùng hoặc cả mặt, mức độ dày mỏng khác nhau, liên tục hay từng đợt, bệnh dai dẳng. Bệnh tuy không nặng, ít ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý xã hội do đó người bệnh cần được điều trị.
II. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh
Theo công năng tạng phủ thì phế chủ bì mao (da lông), có công năng tuyên phát túc giáng, bài tiết chất độc, chất cặn bã ra ngoài. Khi phong nhiệt kết tụ ở phế, được đưa đến bì phu (da) mà không truyền tống ra ngoài được, lưu trú lâu ngày thành những mụn mủ ngay tại da.
Đầu mặt là nơi hội tụ của các kinh dương. Phong nhiệt thuộc dương, có tính thăng phù (lên trên và ra ngoài) nên bệnh hay phát ở vùng mặt. Tấu lý càng bế tắc làm phong nhiệt không bài xuất làm bệnh dai dẳng khó dứt.
III. Điều trị
1. Thể phế kinh phong nhiệt
Triệu chứng: Phấn thích đỏ sưng,nóng, đau, có mụn mủ, ngứa, đại tiện táo, tiểu tiện vàng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mặt phù sác.
Pháp điều trị: Sơ phong tuyên phế thanh nhiệt
Bài thuốc: Tỳ bà thanh phế ẩm gia giảm (gia giảm tùy theo thể trạng bệnh nhân khi khám lâm sàng).
2. Thể trường vị thấp nhiệt
Triệu chứng: Phấn thích đỏ, sưng, bì phu trơn nhờn, nổi sẩn nhiều cục dày, có khi thành từng mảng, có mụn mủ, chán ăn, bụng đầy, đại tiện táo, tiểu vãng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch hoạt sác.
Pháp điều trị: Thanh nhiệt hóa thấp, thông phủ.
Bài thuốc: Nhân trần cao thang gia giảm (gia giảm tùy theo thể trạng bệnh nhân khi khám lâm sàng).
3. Thể tỳ hư
Triệu chứng: bệnh kéo dài,sắc da xạm, kém tươi nhuận, bệnh tái phát nhiều lần kéo dài, có mụn mủ, mụn bọc,mệt mỏi, chán ăn, đại tiện lỏng, lưỡi bệu, rêu trắng nhờn, mạch nhu hoạt.
Pháp điều trị: Kiện tỳ hóa thấp
Bài thuốc: Sâm linh bạch truật tán gia giảm (gia giảm tùy theo thể trạng bệnh nhân khi khám lâm sàng).
IV. Các phương pháp điều trị khác
1. Thuốc đắp mặt
Dùng bài thuốc đã được nghiên cứu thành công và áp dụng có hiệu quả cao của Khoa Y học cổ truyền – Bệnh viện Da liễu Hà Nội để điều trị cho từng thể bệnh, từng mức độ và tính chất trứng cá.
Ngoài ra, có thể tham khảo một số bài thuốc sau:
– Bạch hoa xà thiệt thảo 15 – 30 gram mỗi ngày sắc uống, 10 – 15 ngày một liệu trình.
– Khương trấp phấn: Gừng tươi 30g, Khinh phấn 9g. Gừng tươi giã nát, vắt nước, hòa với khinh phấn để dùng đắp ngoài vết thương.
– Trị mụn trứng cá ở tuổi dạy thì: Cà rốt xay nhuyễn trộn với sữa chua vì chất sữa chua diệt vi khuẩn, còn sinh tố A trong cà rốt làm lành sẹo.
– Trị da nhờn mụn trứng cá: Lòng trắng trứng gà đánh bông thoa đều lên mặt, sau 5 phút thoa tiếp, thoa 3 lần, chờ khô rửa lại bằng nước ấm.
2. Xoa bóp bấm huyệt, massage
Đối với mụn trứng cá mức độ thường có thể xoa bóp, massage da mặt hàng ngày.
Xoa bóp bầm huyệt vùng mặt giúp tăng tuần hoàn, tăng trao đổi chất nên có tác dụng làm giảm viêm, giúp da tăng đào thải các chất bã, làm sạch lỗ chân lông. Ngoài ra, xoa bóp vùng mặt giúp giảm nhờn nên giảm bít tắc lỗ chân lông, kích thích da tăng đổi mới nên có tác dụng làm mờ sẹo, làm săn chắc các khối cơ vùng mặt.
Cần đảm bảo vệ sinh trong khi xoa bóp bấm huyệt.
Các động tác như: xoa, xát, miết, phân, hợp.
Bấm các huyệt vùng mặt như: ấn đường, thái dương, suất cốc, đầu duy, dương bạch, ngư yêu, tình minh, ty trúc không, đồng tử liêu, quyền liêu, giáp xa, nghinh hương, địa thương, nhân trung.
3. Khí công dưỡng sinh
Tập thở khí công giúp tăng cường chính khí, bồi bổ nguồn vệ khí, giúp vệ khí được nâng cao, từ đó bảo vệ da tránh khỏi các tác nhân gây bệnh.
V. Phòng bệnh
– Tránh ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, cay nóng, tránh dùng các chất kích thích như rượu, cafe, thuốc lá. Ăn uống hợp lý, đủ dinh dưỡng, nhiều rau xanh, trái cây. Uống đủ nước trong ngày
– Có chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý. Tránh thức khuya, suy nghĩ căng thẳng, bi quan về bệnh.
– Giữ gìn vệ sinh vùng mặt, đeo khẩu trang, chống bụi bẩn khi ra ngoài, rửa mặt với sữa rửa mặt thích hợp với từng loại da.
– Tránh thói quen sờ tay lên mặt, tự nặn mụn.
BS. Nguyễn Minh Phương – Khoa Y học cổ truyền – BV Da liễu Hà Nội