ĐẠI CƯƠNG VÀ CHẨN ĐOÁN VẢY NẾN THỂ THÔNG THƯỜNG
- ĐẠI CƯƠNG
1.1. Khái niệm
Vảy nến là bệnh viêm mạn tính, tiến triển từng đợt, dai dẳng. Bệnh đặc trưng bởi dát, sẩn đỏ ranh giới rõ, trên có nhiều vảy da trắng, dày, dễ bong, có thể gây tổn thương ở móng, khớp và các cơ quan khác.
1.2. Dịch tễ
Tỷ lệ bệnh vảy nến chiếm khoảng 2-3% dân số tùy theo từng khu vực. Bệnh có thể gặp ở hai giới và mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhiều ở người lớn hơn trẻ em.
1.3. Căn nguyên/Cơ chế bệnh sinh
Căn nguyên của bệnh vảy nến chưa rõ. Người ta cho rằng bệnh vảy nến có liên quan đến rối loạn miễn dịch, yếu tố di truyền, yếu tố môi trường.
– Yếu tố di truyền: nhiều gen đã được phát hiện ở những người có HLA – B13, B17, BW57 và CW6. Đặc biệt gen HLA – CW6 gặp ở 87% bệnh nhân vảy nến.
– Cơ chế miễn dịch: bệnh vảy nến có liên quan đến tế bào lympho T ở da đặc biệt là tế bào Th1, Th17 và Th22. Hiện tại trục TNF-α – IL-23 – IL-17A được coi là đóng vai trò chủ đạo trong cơ chế bệnh sinh của bệnh vảy nến.
– Các yếu tố môi trường: stress, chấn thương, nhiễm khuẩn hoặc sử dụng thuốc,
….
- CHẨN ĐOÁN
2.1. Triệu chứng lâm sàng
– Tổn thương da: điển hình là những sẩn, mảng màu đỏ tươi, giới hạn rõ với da lành, trên có vảy da trắng, dày, dễ bong. Vị trí thường ở chỗ tỳ đè, vùng hay bị cọ xát như khuỷu tay, đầu gối, mấu chuyển, mặt duỗi các chi. Tổn thương có khuynh hướng đối xứng.
– Tổn thương móng: rỗ móng, rãnh ngang móng, móng xù xì, vạch trắng ngang móng, dấu hiệu giọt dầu, tách móng, dày sừng dưới móng, xuất huyết.
– Tổn thương khớp: sưng nóng đỏ đau các khớp, viêm một/nhiều khớp, hình ảnh lâm sàng giống viêm đa khớp dạng thấp, viêm khớp cột sống, viêm điểm bám gân và phần mềm quanh khớp tạo hình ảnh ngón tay, ngón chân hình khúc dồi.
– Tổn thương niêm mạc: thường gặp ở niêm mạc quy đầu, âm hộ. Đó là dát màu hồng, không thâm nhiễm, giới hạn rõ, ít hoặc không có vảy, tiến triển mạn tính. Ở lưỡi tổn thương giống viêm lưỡi hình bản đồ hoặc viêm lưỡi phì đại tróc vảy.
– Các triệu chứng của bệnh phối hợp: tim mạch, rối loạn chuyển hóa, tâm thần, ruột,….
2.2. Cận lâm sàng
– Mô bệnh học: hình ảnh đặc trưng là á sừng, mất lớp hạt,lớp gai quá sản đều hình dùi trống, mào liên nhú dài ra, có vi áp xe của Munro trong lớp gai, lớp đáy tăng sinh, bình thường chỉ có một hàng tế bào, bệnh vảy nến có thể đến 3 hàng.
– Dermoscopy: mạch máu dạng chấm sắp xếp đều đặn trên nền da đỏ với vảy da trắng.
– Xét nghiệm ASLO hay nuôi cấy vi khuẩn (ngoáy họng) đối với bệnh nhân mắc vảy nến thể giọt.
– Xét nghiệm máu: công thức máu, sinh hoá: glucose, ure, creatinin, AST, ALT, mỡ máu, … để tầm soát các rối loạn chuyển hoá trong bệnh vảy nến và theo dõi điều trị.
– Các xét nghiệm trước khi sử dụng thuốc sinh học:
+ Tầm soát lao và lao tiềm ẩn: chụp X quang ngực thẳng kết hợp Quantiferon hoặc test Mantoux.
+ Xét nghiệm tầm soát viêm gan B, C, HIV, ….
2.3. Chẩn đoán xác định
Chủ yếu dưạ vào lâm sàng, mô bệnh học có vai trò trong một số trường hợp khó, lâm sàng không điển hình.
2.4. Chẩn đoán thể bệnh
– Thể thông thường: theo kích thước tổn thương có vảy nến thể giọt (dưới 1 cm) và thể mảng.
– Theo vị trí giải phẫu: vảy nến ở các nếp gấp (vảy nến đảo ngược); vảy nến ở da đầu và ở mặt; vảy nến lòng bàn tay, lòng bàn chân; vảy nến thể móng.
– Vảy nến đỏ da toàn thân: thường là biến chứng của vảy nến thể thông thường hoặc do dùng corticosteroid toàn thân, đôi khi là biểu hiện đầu tiên của bệnh vảy nến.
2.5. Chẩn đoán mức độ
– Theo PASI (psoriasis area and severity index): dựa vào mức độ đỏ da, dày da, vảy da và diện tích của tổn thương theo từng vùng cơ thể; PASI < 10: mức độ nhẹ, PASI ≥10: bệnh mức độ vừa – nặng.
– DLQI (dermatology life quality index): gồm bộ 10 câu hỏi đánh giá mức độ ảnh hưởng của bệnh đến cuộc sống bệnh nhân: 0 – 1, 2 – 5, 6 – 10, 11 – 20, 21 – 30 điểm lần lượt: không ảnh hưởng, ảnh hưởng nhỏ, ảnh hưởng trung bình, ảnh hưởng lớn, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống.
– BSA (body surface areas): theo diện tích cơ thể tổn thương; BSA ≤ 10%: vảy nến thể mảng mức độ nhẹ, BSA > 10%: vảy nến thể mảng mức độ vừa, nặng.
2.6. Chẩn đoán phân biệt
– Giang mai thời kỳ thứ II
– Lupus ban đỏ dạng đĩa
– Vảy phấn dạng lichen mạn tính
– Vảy phấn hồng Gibert
– Vảy phấn đỏ nang lông
– Nấm da
– Viêm da dầu
– U lympho T
– Dị ứng thuốc
– Đỏ da toàn thân do nguyên nhân khác.