CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH LANG BEN

CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH LANG BEN

 

  1. ĐẠI CƯƠNG

1.1. Định nghĩa

Bệnh lang ben là bệnh phổ biến do Malassezia – một loài nấm nông bề mặt trên da gây nên. Bệnh đáp ứng tốt với điều trị, nhưng thường hay tái phát và có thể cần điều trị dự phòng lâu dài.

1.2. Dịch tễ

Bệnh xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới, hay gặp hơn ở khu vực có khí hậu nhiệt đới.

1.3. Căn nguyên/Cơ chế bệnh sinh

Lang ben do nấm thuộc nhóm Malassezia gây nên. Hiện nay đã xác định và phân loại được 14 chủng Malassezia khác nhau, trong đó có 8 chủng hay gây bệnh cho người là M. sympodialis, M. globosa, M. restricta, M. slooffiae, M. furfur, M. obtusa và các chủng mới được phân lập là M. dermatis, M. japonica, M. yamotoensis, M. nana, M. caprae M. equina.

  1. CHẨN ĐOÁN

2.1. Triệu chứng lâm sàng

– Tổn thương cơ bản là các dát, mảng hình tròn hoặc bầu dục kích thước 1-3cm, màu hồng, nâu hoặc trắng trên da, có thể liên kết với nhau thành các tổn thương lớn, cào nhẹ xuất hiện vảy da (dấu hiệu vỏ bào).

– Vị trí thường gặp: ở người lớn thường gặp ở vùng chi trên, ngực, lưng; ở trẻ em thường gặp ở mặt.

– Thường không có triệu chứng cơ năng, một số trường hợp có thể ngứa.

– Nếu không điều trị, lang ben có thể dai dẳng hằng năm, bệnh hay tái phát vào mùa nắng nóng.

2.2. Cận lâm sàng

– Soi tươi: Bệnh phẩm vảy da được lấy bằng băng dính trong hoặc cạo da bằng dao cùn, soi tươi với KOH 10% hoặc KOH + Parker ink.

– Đèn Wood: Dưới ánh sáng đèn Wood, tổn thương lang ben có huỳnh quang màu vàng sáng. Màu huỳnh quang được phát hiện ở vùng rìa của tổn thương.

– Nuôi cấy và định loại: Bệnh phẩm là vảy da của bệnh nhân lang ben. Các môi trường nuôi cấy có thể sử dụng bao gồm: thạch Sabouraud, thạch m-Dixon, thạch Leeming-Notman.

2.3. Chẩn đoán xác định

Dựa vào triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng.

2.4. Chẩn đoán phân biệt

– Vảy phấn trắng

– Vảy phấn hồng

– Viêm da dầu

– Erythrasma

– Giang mai II

– Bạch biến

– Phong thể I

– U sùi dạng nấm (mycosis fungoides)

  1. ĐIỀU TRỊ

3.1. Nguyên tắc điều trị

– Vệ sinh cá nhân

– Điều trị thuốc bôi chống nấm tại chỗ.

– Điều trị toàn thân áp dụng trong trường hợp tái phát hoặc tổn thương rộng, thất bại với điều trị bằng thuốc bôi.

– Điều trị dự phòng tái phát

– Dát tăng/giảm sắc tố có thể tồn tại thêm một vài tháng sau khi kết thúc điều trị.

3.2. Điều trị cụ thể

 

– Lựa chọn thứ nhất: Thuốc chống nấm tại chỗ: terbinafin, nhóm azole; bôi ngày 2 lần, trong 2-4 tuần.

– Lựa chọn thứ hai: Điều trị thuốc kháng nấm đường toàn thân (với các trường hợp nặng, lan tỏa hoặc kháng trị với thuốc bôi). Thuốc kháng nấm đường toàn thân chỉ dùng cho người lớn.

ThuốcLiều điều trị
Itraconazol200mg/ngày x 5-7 ngày, hoặc 400mg liều duy nhất
Fluconazol300mg x 1 lần/tuần x 2-3 tuần

– Điều trị hỗ trợ: có thể dùng một trong các dầu gội sau:

Dầu gội có thành phần ketoconazol 2%, selenium sulfid 2,5% hoặc zinc pyrithion 1%.

  1. PHÒNG BỆNH

– Loại bỏ và hạn chế các yếu tố thuận lợi; vệ sinh hàng ngày: giữ cơ thể khô ráo, tránh ẩm ướt…

– Bệnh có thể tái phát, đặc biệt là mùa nắng nóng trong năm, dự phòng tái phát bằng cách sử dụng thuốc bôi hoặc uống.

+ Sử dụng dầu gội kháng nấm 1-2 lần/tuần (dầu gội ketoconazol 2%, selenium sulfid 2,25% hoặc zinc pyrithion 1%)

+ Nếu dùng dầu gội không hiệu quả để dự phòng tái phát thì có thể uống itraconazol 200mg x 2 lần/ ngày x 1 ngày/ tháng.