1. CÁCH SẮC THUỐC – Sắc thuốc theo hướng dẫn của bác sỹ. Mỗi thang thuốc sắc làm 3 lần, mỗi lần cho 3 bát con nước, đun còn 1 bát nước, trộn thuốc thu được từ 3 lần sắc rồi chia 3 lần uống trong ngày. – Trước khi sắc nên ngâm thuốc khoảng 30 phút đến 1 giờ với mục đích làm mềm thuốc, giúp các hoạt chất khi sắc sẽ được chiết ra nhiều hơn. – Lửa sắc thuốc cũng rất quan trọng. Đối với các loại thuốc phát tán, điều trị bệnh mới mắc, bệnh ở phần biểu cần được sắc lửa to (lửa võ) nhằm giữ được tính vị cay thơm của thuốc. Đối với các loại thuốc bổ, thuốc điều trị bệnh ở phần lý, bệnh mãn tính cần sắc bằng lửa nhỏ (lửa văn), sắc kỹ nhằm chiết được nhiều hoạt chất trong thuốc. 2. THỜI GIAN UỐNG THUỐC Uống thuốc lúc không no, không đói. Tốt nhất nên uống sau bữa ăn 1 giờ để thuốc có thể hấp thu tốt nhất và có hiệu quả điều trị cao nhất. 3. CÁCH UỐNG THUỐC – Uống thuốc khi còn ấm nóng đối với những bệnh thuộc hàn. Uống thuốc khi đã nguội đối với những bệnh thuộc nhiệt. – Uống nhanh, đắp chăn cho ra mồ hôi đối với các thuốc phát tán. Uống từ từ từng ngụm nhỏ đối với thuốc bổ. 4. KIÊNG KỴ KHI DÙNG THUỐC Dùng thuốc Y học cổ truyền nên kiêng những thức ăn nhiều đạm, chậm tiêu, gây đầy bụng, giảm hấp thu. Không dùng các chất kích thích như rượu, cà phê… Không ăn rau cải, vỏ đỗ xanh do làm mất tác dụng của thuốc. Bệnh thuộc nhiệt thì kiêng những thức ăn cay nóng, kích thích. Bệnh thuộc hàn nên kiêng thức ăn tanh, sống lạnh. 5. SẮC THUỐC TẠI KHOA Y HỌC CỔ TRUYỀN – BỆNH VIỆN DA LIỄU HÀ NỘI Khoa Y học cổ truyền đã xây dựng quy trình sắc thuốc y học cổ truyền nhằm đảm bảo chất lượng thuốc sắc và đạt hiệu quả điều trị tốt nhất. Quy trình sắc thuốc được xây dựng dựa trên nguyên lý sắc thuốc của Y học cổ truyền. Thuốc sắc được đóng gói bằng máy đóng thuốc tự động, đảm bảo chất lượng thuốc, giúp bảo quản thuốc sắc tốt và tiện dụng trong điều trị.
H1. Phòng sắc thuốc Khoa Y học cổ truyền H2: Máy sắc thuốc H3: Máy đóng thuốc H4: Sắc thuốc và đóng thuốc YHCT
Khoa Y học cổ truyền |