1. Định nghĩa:
1.1. Bệnh thủy đậu (bệnh trái rạ) do virus varicella zoster (VZV) gây ra tác động trực tiếp lên da và niêm mạc, bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh.
Bệnh thường gặp ở trẻ em do hệ miễn dịch của trẻ còn yếu, thời gian gây bệnh chủ yếu vào mùa đông và mùa xuân, có thể lây lan thành dịch.
1.2. Bệnh zona (giời leo): là kết quả của sự tái hoạt động của virus herpes zoster (varicella-zoster virus hoặc VZV). Virus này cũng chính là tác nhân gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em. Virus thủy đậu trú ngụ trong cơ thể ở trạng thái ngủ bên trong các dây thần kinh cảm giác. Virus sẽ “thức giấc” sau khi gây bệnh thủy đậu nhiều năm trước trong cơ thể của 1 trong số người đã từng bị thủy đậu. Sau đó, virus sẽ đi dọc theo dây thần kinh cảm giác vào da và tạo ra những mảng phát ban gây đau mà người ta thường gọi là bệnh Zona (giời leo)
- Các xét nghiệm:
Xét nghiệm thủy đậu, zona là phương pháp xét nghiệm kiểm tra sự tồn tại của kháng thể kháng thủy đậu trong huyết tương của người bệnh.
Xét nghiệm thủy đậu, zona gồm các phương pháp xét nghiệm sau:
2.1. Xét nghiệm huyết thanh học xác định kháng thể IgM, IgG.
– Là phương pháp xét nghiệm máu, dùng kỹ thuật ly tâm tách chiết huyết thanh sau đó phân tích tìm sự tồn tại của các kháng thể IgM, IgG.
– Xét nghiệm thủy đậu sử dụng mẫu bệnh phẩm là mẫu máu lấy từ tĩnh mạch trên tay người bệnh. Sau khi lấy mẫu, máu của người bệnh được đựng trong ống có chứa chất chống đông để ngăn chặn sự hình thành của các cục máu đông. Sau đó mẫu bệnh phẩm được đánh số thứ tự, ghi tên bệnh nhân gửi đến phòng thí nghiệm, tiến hành xét nghiệm.
+ Kháng thể IgM được tìm thấy trong huyết tương sau khi các triệu chứng xuất hiện từ 5 đến 7 ngày. Đối với trường hợp âm tính với kháng thể IgM vẫn có khả năng nhiễm thủy đậu cấp tính.
+ Kháng thể IgG được tìm thấy sau khi các triệu chứng xuất hiện từ 10 đến 12 ngày, hoặc có thể tìm thấy đối với các trường hợp đã từng mắc thủy đậu hay tiêm ngừa vắc xin thủy đậu.
– Kết quả xét nghiệm kháng thể thủy đậu cho biết chỉ số IgG và IgM cụ thể từng trường hợp như sau:
+ Chỉ số IgG dương tính, IgM âm tính, không có dấu hiệu nhiễm thủy đậu tức cơ thể khỏe mạnh. Chỉ số IgG dương tính có thể do cơ thể đã mắc bệnh trước đây hoặc hiệu quả miễn dịch của vắc xin.
+ Chỉ số IgG âm tính , IgM âm tính, không có dấu hiệu nhiễm thủy đậu tức cơ thể khỏe mạnh, tuy nhiên cần tiêm ngừa vắc xin thủy đậu.
+ Chỉ số IgG dương tính hoặc âm tính , IgM dương tính: cơ thể đang nhiễm bệnh thủy đậu, cần thực hiện các biện pháp điều trị kịp thời, tránh để lại các biến chứng.
– Kết quả xét nghiệm kháng thể thủy đậu rất quan trọng đối với phụ nữ mang thai trong quyết định tiêm ngừa vắc xin thủy đậu phòng tránh nhiễm bệnh và để lại dị tật cho thai nhi.
2.2. Xét nghiệm soi tươi tìm tế bào zank:
2.2.1. Lấy bệnh phẩm:
– Các bệnh da có bọng nước: Mẫu phải được lấy từ bọng nước mới, lật mái bọng nước, thấm dịch và nạo bằng một con dao cùn .
– Tổn thương loét: dùng dao cùn nạo đáy vết loét.
– Tổn thương nang: Dùng bơm kim kiêm chọc hút.
– Tổn thương u bề mặt tương đối lành: Dùng dao rạch tổn thương vừa phải, nạo 2 mép vết thương.
2.2.2. Phết bệnh phẩm lên lam.
2.2.3. Để khô tự nhiên.
2.2.4. Cố định lại bằng cồn.
2.2.5. Nhuộm Giemsa: Giemsa được pha loãng 1:10 với nước cất. Phủ giemsa và giữ trong 15 phút. Sau đó, rửa sạch bằng nước và quan sát dưới kính hiển vi. Hạt nhân màu có thể thay đổi từ màu xanh, đỏ tím sang màu hồng. Tế bào chất nhuộm màu hơi xanh.
2.2.6. Đọc kết quả:
Tế bào gai lệch hình: là những tế bào biểu mô hình tròn, kích thước lớn, nhân to tròn chiếm gần 2/3 tế bào, viền nhân và viền màng tế bào rõ, nguyên sinh chất bắt màu bazơ, tạo thành vòng sáng halo quanh nhân
Tế bào đa nhân khổng lồ: Các tế bào kích thước rất lớn, viền bào tương mịn, nhân hợp bào (do nhiều nhân tế bào biểu mô hợp nhất).
Tin bài: Bs Quang- Khoa Xét nghiệm