Bệnh ghẻ: Nguyên nhân và đường lây nhiễm

3

Bệnh ghẻ là bệnh ngoài da rất phổ biến và đã xuất hiện từ thời La Mã cổ đại, cách đây hơn 2500 năm. Bệnh do loại côn trùng Sarcoptes scabiei hominis sống ký sinh trên da gây nên. Bệnh tuy không nghiêm trọng nhưng nếu không được điều trị triệt để có thể dẫn tới nhiễm trùng da, chàm hóa hoặc một số biến chứng nguy hiểm khác.

Nguyên nhân gây bệnh ghẻ

Nguyên nhân gây bệnh là do ký sinh trùng ghẻ (Sarcoptes scabiei hominis). Bệnh do ghẻ cái gây nên là chủ yếu, ghẻ đực không gây bệnh vì chết sau khi giao hợp.

Cái ghẻ có bốn đôi chân, kích thước khoảng 0.3 mm, rất nhỏ nên khó nhìn thấy bằng mắt thường. Chúng không thể bay hay nhảy, chu kỳ sống khoảng 30 ngày ở trong và trên thượng bì. Ghẻ cái ký sinh ở lớp sừng của thượng bì, đào hang về đêm, đẻ trứng ban ngày, mỗi ngày đẻ 1 – 5 trứng, trứng sau 72 – 96 giờ nở thành ấu trùng, sau 5 – 6 lần lột xác (trong vòng 20 – 25 ngày) trở thành con ghẻ trưởng thành, sau đó bò ra khỏi hang, giao hợp và tiếp tục đào hầm, đẻ trứng mới.

Ghẻ sinh sôi nảy nở rất nhanh, với điều kiện thuận lợi: 1 ghẻ cái sau 3 tháng có thể có một dòng họ 150 triệu con. Ban đêm ghẻ cái bò ra khỏi hang tìm ghẻ đực, đây là lúc ngứa nhất (dấu hiệu ngứa vào ban đêm), dễ lây truyền nhất, vì ngứa gãi làm vương vãi cái ghẻ ra quần áo, giường chiếu…

Bệnh ghẻ có khả năng lây lan từ người này sang người khác

Các bác sĩ cho biết, ghẻ cái có vòng đời chỉ từ 30 ngày nếu sống ở tầng thượng bì của da. Ghẻ cái sống từ 4-6 tuần; đẻ 40-50 trứng. Mỗi ngày chúng đẻ 1-5 quả trứng trong hang ghẻ; sau 3-7 ngày trứng nở thành ấu trùng, ấu trùng lột xác nhiều lần, di chuyển lên bề mặt da và phát triển trở thành ghẻ trưởng thành.

Tiếp theo ghẻ cái và ghẻ đực giao phối với nhau. Sau đó ghẻ cái tiếp tục đào hầm dưới lớp sừng, ghẻ đực không gây bệnh vì chết sau khi giao hợp và bị rớt khỏi da. Ghẻ cái thường đào hang vào buổi tối, mỗi ngày đào 2 – 3 mm, đẻ trứng vào ban ngày. Đó chính là lý do tại sao người bị ghẻ thường bị ngứa ngáy nhiều hơn vào ban đêm.

Tuổi mà bệnh ghẻ khởi phát thường là trẻ em dưới 5 tuổi. Người lớn bị ghẻ thường lây qua việc tiếp xúc cơ thể. Và các bác sĩ cũng cho biết cái ghẻ có thể lây trực tiếp từ người này sang người khác với nhiều cách khác nhau như các hành động ôm hôn thân mật, quan hệ tình dục, bắt tay hay nói chung là va chạm da với người mắc bệnh.

Ngoài ra, bệnh ghẻ cũng có thể lây lây gián tiếp quá nhiều con đường khác nhau như dùng chung đồ dùng cá nhân như chăn màn, quần áo hoặc khăn mặt. Theo các tài liệu y khoa thì cái ghẻ có thể sống tối đa là 48h đồng hồ trên quần áo hoặc trên giường chiếu, chăn ga gối. Do đó, khả năng lây truyền bệnh giữa các thành viên trong gia đình là rất cao.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ghẻ được nhắc đến nhiều chính là vệ sinh cá nhân không sạch sẽ, sử dụng nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo hoặc không gian sinh sống chật chội, không đảm bảo vệ sinh…