Zona thần kinh không phải là bệnh lý hiếm gặp, theo thống kê có tới 1/3 dân số mắc bệnh zona ít nhất 1 lần trong đời. Người mắc zona sau khi khỏi bệnh rất hiếm khi bị tái phát. Tỉ lệ tái phát lần 2 được thống kê khoảng 4.8-12/1000 người/năm. Zona tái phát thường gặp ở người suy giảm hệ miễn dịch như mắc bệnh HIV/AIDS, ung thư.
Các thể bệnh zona thường gặp
Các thể bệnh zona phổ biến ở các vùng khác nhau trên cơ thể:
- Zona trên khuôn mặt: Xuất hiện các phồng nước đỏ hoặc vảy trên vùng da trán, da quanh môi hoặc hai bên má. Da mặt là vùng nhạy cảm, dễ tổn thương nên cần chăm sóc kỹ các vết phát ban tránh để lại sẹo gây mất thẩm mỹ. Cần chú ý Zona vùng mặt dễ đi kèm biến chứng liệt mặt (liệt dây thần kinh VII ngoại biên ). Biến chứng này có thể phục hồi hoàn toàn hoặc không.
- Zona ở mắt: Đây là loại zona thần kinh ảnh hưởng đến khu vực xung quanh mắt. Triệu chứng bao gồm đau mắt, ngứa, sưng và xuất hiện các vết phồng rộp. Tình trạng này có thể gây viêm kết mạc, viêm giác mạc và thậm chí mù lòa.
- Zona trên tai: Khi virus Varicella-Zoster tấn công dây thần kinh gần khu vực tai gây đau tai, liệt mặt, loét trong tai, nổi hạch ở trước và sau tai, xuất huyết,…
- Zona ở miệng: Thường xuất hiện trên môi hoặc trong miệng để lại vết lở loét gây ra đau, khó chịu khi ăn uống và nói chuyện khó khăn. Bệnh dễ nhầm lẫn với nhiệt miệng nhưng kéo dài lâu hơn và đau hơn.
- Zona ở các vùng khác: Ngoài các vùng trên, virus Varicella-Zoster có thể gây ra trên nhiều vùng khác như thân, cổ, lưng và các ngón tay. Các vị trí này, ít để lại biến chứng hơn zona trên mặt.
Đối tượng dễ mắc bệnh zona
Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh zona thần kinh bao gồm:
- Người lớn tuổi: Zona thần kinh thường xuất hiện ở những người lớn tuổi, nhất là những người > 50 tuổi. Càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Theo thống kê, tỷ lệ mắc zona thần kinh ở người khỏe mạnh là 1 – 4/1000 mỗi năm và những người trên 65 tuổi chiếm tới 4 – 12/1000. Có đến 50% số người > 85 tuổi sẽ mắc bệnh zona thần kinh. Ngoài ra, một số người mắc bệnh lý nền như: máu ác tính, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, bệnh tự miễn,… cũng dễ bị tái phát zona.
- Người suy giảm miễn dịch do mắc bệnh lý: Các bệnh làm suy giảm hệ miễn dịch như bạch cầu, ung thư, HIV/AIDS là yếu tố khiến người bệnh nhân dễ mắc bệnh zona hơn. Bên cạnh đó, các phương pháp điều trị như xạ trị hoặc hóa trị cũng làm giảm sức đề kháng của cơ thể, tạo điều kiện cho virus Varicella-Zoster tái hoạt động.
- Người sử dụng các loại thuốc điều trị lâu dài: Các nghiên cứu chỉ ra, những người phải sử dụng thuốc điều trị lâu dài như steroid prednisone có tác dụng ngăn ngừa thải ghép cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona nhiều lần.
- Người bị thủy đậu trước 18 tuổi: Nguy cơ virus Varicella-Zoster tái hoạt động và gây bệnh zona cũng cao hơn.