Mày đay ánh nắng (solar urticarial)
- Đại cương
Mày đay là một bệnh da phổ biến do sự hoạt hóa các tế bào Mastocyte ở da , bệnh là sự xuất hiện đột ngột, thoáng qua của sẩn phù (sẩn mày đay – Wheals, Hives), phù mạch (Angioedema) hoặc cả hai.
Mày đay ánh nắng là một rối loạn nhạy cảm ánh sáng mắc phải mãn tính. Nó bao gồm các đợt nổi mày đay tái phát ở những vùng da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Mặc dù thường là một tình trạng lành tính nhưng bệnh có thể gây tàn tật nặng nề, hạn chế các hoạt động hàng ngày và làm thay đổi nghiêm trọng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Mày đay ánh nắng là loại mày đay hiếm gặp chiếm dưới 0,5% các loại mày đay và 7% các bệnh da ánh sáng.
Bệnh xảy ra ở cả hai giới nhưng nữ thường chiếm ưu thế, dưới 30% ca mắc liên quan đến tiền sử dị ứng. 16% các bệnh nhân mày đay có kết hợp mày đay ánh nắng với các loại mày đay mạn tính khác.
Tuổi thường gặp ở những người trẻ, trung bỉnh 35 tuổi. Tuy nhiên bệnh có thể khởi phát bất cứ lứa tuổi nào từ sơ sinh đến người già.
- Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh
Mày đay xảy ra sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có bước sóng 290-500 nm và có thể thay đổi tùy theo từng bệnh nhân.
Cơ chế bệnh sinh mày đay ánh nắng chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Giả thuyết được đặt ra khi có sự tiếp xúc của da với ánh sáng mặt trời gây ra phản ứng quá mẫn ngay tức qua trung gian IgE kích hoạt tế bào mast sản xuất các hoạt chất trung gian histamine, Leukotrien, cytokine, chemokine, prostaglandin, neuropeptide P, … dẫn đến phản ứng dị ứng ở da.
Một số bước sóng bức xạ nhất định (thường là những bước sóng dài) có thể ức chế phản ứng miễn dịch do các bước sóng khác gây ra (thường là những bước sóng ngắn) 7.
Một nguyên nhân hiếm gặp khác có thể gây khởi phát mày đay ánh nắng bởi một chất ngoại sinh, chẳng hạn như một số loại thuốc atorvastatin, chlorpromazine, tetracycline hoặc thuốc tránh thai.
- Mô bệnh học
Mô bệnh học của mày đay ánh nắng gần như giống với các mày đay khác; lớp hạ bì có biểu hiện phù nề nhẹ với sự thâm nhiễm hỗn hợp của bạch cầu trung tính và bạch cầu ái toan xung quanh mạch máu.
- Chẩn đoán
Chẩn đoán dựa vào tiền sử khởi phát mày đay khi tiếp xúc ánh sáng mặt trời, triệu chứng lâm sàng và test ánh sáng (Phototesting) để chẩn đoán xác định.
- Triệu chứng lâm sàng
Các triệu chứng của mày đay bao gồm sẩn phù, ban đỏ da và hoặc phù mạch xảy ra vài phút sau khi tiếp xúc ánh sáng mặt trời. Các sẩn phù tồn tại dưới 1 giờ, có thể kết hợp với ngất lịm.
Sẩn mày đay có 3 đặc điểm điển hình:
Trung tâm phù nề, kích thước thay đổi, bao quanh bởi một viền hồng ban
Ngứa hoặc đôi khi cảm giác nóng rát.
Xuất hiện và biến mất hoàn toàn trong vòng 30 phút đến 24 giờ.
Phù mạch đặc trưng bởi:
Phù nề không phân định rõ ràng giữa lớp hạ bì sâu và lớp dưới lớp biểu bì hoặc màng đáy. Xuất hiện đột ngột như màu của da hoặc sưng đỏ nhẹ.
Biểu hiện đau hơn là ngứa.
Thoái triển chậm hơn sẩn phù (có thể tới 72 giờ).
Thông thường, vùng da được che phủ sẽ phản ứng mạnh hơn vùng da hở khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Da mặt và tay dường như có khả năng chịu đựng bức xạ mặt trời tốt hơn.
Các ban đỏ da có liên quan đến cảm giác ngứa hoặc rát.
Phù mạch quanh ổ mắt và/hoặc niêm mạc cũng có thể được quan sát thấy.
Các triệu chứng toàn thân như buồn nôn, thở khò khè, khó thở hoặc ngất không phải là hiếm, đặc biệt nếu vùng da rộng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài.
Tuy nhiên, ngay cả khi có các triệu chứng toàn thân, sốc phản vệ hiếm khi xảy ra ở bệnh mày đay mặt trời. Các triệu chứng ở da sẽ hết ở 75% trường hợp trong vòng một giờ sau khi ngừng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và hơn thế nữa trong vòng 24 giờ. Mức độ nghiêm trọng và thời gian của các triệu chứng cũng liên quan đến cường độ ánh sáng.
- Test ánh sáng (phototesting)
Bằng cách sử dụng tia cực tím băng thông rộng B (UV-B; 290-320 nm), UV-A (320-400 nm) và các nguồn sáng khả kiến (400-800 nm). Hầu hết bệnh nhân nổi mày đay do nắng đều có bước sóng kích thích trong vùng UV-A và vùng nhìn thấy được, đặc biệt là màu xanh lá cây hoặc xanh lam.
Các nguồn sáng được đặt cách lưng bệnh nhân từ 10 cm đến 15 cm và cung cấp các liều bức xạ khác nhau.
Thời gian tiếp xúc dưới ánh sáng khả kiến phải ít hơn một giờ. Thông thường, ánh sáng phát ra từ máy chiếu slide được sử dụng kết hợp với các biện pháp chống tỏa nhiệt quá mức từ nguồn sáng nhằm loại trừ khả năng nổi mày đay do cholinergic hoặc do nhiệt thay vì nổi mày đay do nắng thực sự.
Nên thử nghiệm quang học với UV-B dải hẹp (311-313 nm) nếu đang cân nhắc điều trị bằng nguồn sáng này.
Đôi khi, những thử nghiệm này không tạo ra phản ứng như mong đợi.
Phototesting có thể thực hiện bằng ánh sáng mặt trời tự nhiên nếu điều kiện môi trường xung quanh cho phép.
Phản ứng dương tính khi da nổi mày đay khi tiếp xúc đầu tiên bới bước song thử nghiệm và mất đi khi loại bỏ ánh sáng này.
Bên cạnh vai trò chẩn đoán, test ánh sáng còn cho phép xác định bước sóng gây phản ứng mày đay để đưa ra biện pháp dự phòng tránh ánh sáng này trong sinh hoạt hàng ngày.
- Điều trị
Vì mày đay ánh sáng là một rối loạn nhạy cảm ánh sáng mạn tính của da nên tình trạng này thường kéo dài suốt đời và chưa có một phương pháp nào điều trị triệt để tình trạng nhạy cảm da này. Các phương pháp điều trị khác nhau đã được sử dụng với mức độ thành công khác nhau. Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời được khuyến khích một cách hợp lý, cũng như bảo vệ ánh sáng bằng cách sử dụng kem chống nắng phổ rộng và quần áo tối màu.
Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời có thể làm giảm tần suất phản ứng bằng cách mặc quần áo được dệt chặt, dày đội mũ rộng vành và kính râm có thể bảo vệ khuôn mặt. Không nên ra ngoài vào những thời điểm nắng gắt trong ngày
Kem chống nắng để bảo vệ làn da khỏi tác động của ánh sáng mặt trời. Bệnh nhân được khuyến khích sử dụng kem chống nắng phổ rộng UVA và UVB và bôi thường xuyên trong ngày. Kem chống nắng vật lý thể hữu ích hơn kem chống nắng hóa học. Các thành phần như titan và kẽm thường có hiệu quả trong việc làm chệch hướng tia UVB và ngăn ngừa phản ứng nổi mày đay do ánh nắng mặt trời.
Thuốc kháng histamine. Mày đay ánh nắng là một bệnh dị ứng nên thuốc dị ứng có thể hữu ích trong việc kiểm soát các đợt bùng phát. Thuốc kháng histamine kiểm soát sự giải phóng histamine và viêm ở da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tương tự với điều trị mày đay mãn tính vô căn, thuốc kháng histamine thế hệ thứ hai đối kháng thụ thể được sử dụng rộng rãi và thường được chấp nhận là thuốc đầu tay ví dụ loratadine, fexofenadine và cetirizine…
Quang trị liệu: chiếu tia cực tím nhiều đợt liên tiếp với liều tăng dần, sau đó duy trì cho tác dụng tốt. Quá trình này phải dựa trên phổ tác dụng và liều mày đay tối thiểu. PUVA dường như mang lại phản ứng lâu dài hơn so với liệu pháp quang trị liệu đơn thuần. Biện pháp này cần được duy trì thường xuyên để duy trì tác dụng do đó làm tăng tác dụng phụ. Cần chú ý sốc phản vệ ở nhứng bệnh nhân nặng.
Thuốc điều trị hen suyễn. Một số loại thuốc kiểm soát bệnh hen suyễn rất hữu ích trong việc kiểm soát bệnh nổi mày đay ánh nắng
Liệu pháp miễn dịch . sử dụng khi thất bại hoặc các phương pháp điều trị tiêu chuẩn không mang lại hiệu quả như mong muốn.Nghiên cứu cho thấy rằng việc truyền globulin miễn dịch hoặc trao đổi huyết tương cũng hữu ích trong việc kiểm soát mày đay ánh nắng.
Tài liệu tham khảo
- Church MK, Kolkhir P, Metz M, Maurer M. The role and relevance of mast cells in urticaria. Immunol Rev. 2018;282(1):232-247. doi:10.1111/imr.12632
- Zuberbier T, Aberer W, Asero R, et al. The EAACI/GA2LEN/EDF/WAO guideline for the definition, classification, diagnosis and management of urticaria. Allergy. 2018;73(7):1393-1414. doi:10.1111/all.13397
- Harris BW, Crane JS, Schlessinger J. Solar Urticaria. In: StatPearls. StatPearls Publishing; 2024. Accessed May 21, 2024. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK441986/
- M S, Je T, Pd C. Photocontact Dermatitis and Its Clinical Mimics: an Overview for the Allergist. Clin Rev Allergy Immunol. 2019;56(1). doi:10.1007/s12016-018-8696-x
- A F, D M, H F, Rs S. Paediatric solar urticaria: a case series. Br J Dermatol. 2018;178(6). doi:10.1111/bjd.16325