ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG BỆNH HỘI CHỨNG BONG VẢY DA DO TỤ CẦU
- 1. ĐIỀU TRỊ
1.1 . Nguyên tắc điều trị
– Đánh giá toàn trạng bệnh nhân, mức độ nặng của bệnh để có hướng xử lý thích hợp.
– Trẻ sơ sinh mắc SSSS cần được cách ly với các trẻ khác để tránh lây nhiễm chéo.
– Điều trị tại chỗ và toàn thân
– Bồi phụ dinh dưỡng, nước, điện giải.
– Phát hiện và điều trị các ổ nhiễm trùng khu trú để ngăn ngừa vi khuẩn lan vào máu.
1.2 . Điều trị cụ thể
1.2.1. Điều trị tại chỗ
– Chăm sóc tại chỗ:
+ Dung dịch sát khuẩn: Tắm rửa hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn (thuốc tím pha loãng 1/10.000 hoặc dầu tắm nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương da thêm.
+ Chăm sóc mắt, miệng khi có tổn thương.
– Kháng sinh bôi tại chỗ (acid fusidic, mupirocin…), bôi 2 lần/ngày trong 7-10 ngày.
1.2.2. Điều trị toàn thân
– Kháng sinh toàn thân: lựa chọn một trong các kháng sinh sau:
Kháng sinh | Liều lượng | |
Người lớn | Trẻ em | |
Cloxacillin | 250-500mg/lần, 3-4 lần/ngày | 50-100mg/kg/ngày chia 3-4 lần |
Oxacillin | 250-500 mg/lần mỗi 4-6 giờ | 12.5 – 25mg/kg/ lần mỗi 6 giờ |
Cefazolin | 250-500mg/lần, 3-4 lần/ngày | 25-50mg/kg/ngày chia 3-4 lần |
Ceftriaxon | 1-2g/ngày, tối đa 4g/ngày, truyền 1 lần | 20-80mg/kg/ngày, truyền 1 lần |
Trường hợp do tụ cầu vàng kháng methicilin | ||
Vancomycin | 500mg/lần x 4 lần/ngày Hoặc 1g/lần x 2 lần/ngày | 40mg/kg/ngày chia 4 lần |
Linezolid | 600mg/lần x 2 lần/ngày | 10mg/kg/lần x 3 lần/ngày |
+ Lựa chọn khác: kháng sinh nhóm quinolon, macrolid hoặc aminoglycosid dựa vào kết quả kháng sinh đồ.
– Điều trị biến chứng nếu có
1.3. Điều trị hỗ trợ
– Hạ sốt
– Bù dịch, điện giải: đánh giá mức độ mất nước, điện giải do sốt và mất nước qua da.
– Dinh dưỡng: chế độ dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường cung cấp năng lượng và protein cho việc lành vết thương.
- PHÒNG BỆNH
– Cách ly bệnh nhân cho đến khi khỏi bệnh.
– Nâng cao thể trạng.
– Điều trị sớm các ổ nhiễm khuẩn.
– Vệ sinh cá nhân.