ĐIỀU TRỊ  VÀ DỰ PHÒNG BỆNH ZONA

Zona

ĐIỀU TRỊ  VÀ DỰ PHÒNG BỆNH ZONA

  1. ĐIỀU TRỊ
  2. Nguyên tắc điều trị

– Điều trị thuốc kháng virus càng sớm càng tốt.

– Điều trị tại chỗ

– Điều trị toàn thân

– Điều trị giảm đau: giảm đau cấp và giảm đau sau Zona.

  1. Điều trị cụ thể

Trường hợp zona không biến chứng và ở người có miễn dịch bình thường:

2.1. Điều trị zona

– Điều trị tại chỗ: các dung dịch sát khuẩn, kháng sinh

– Điều trị toàn thân:

+ Thuốc kháng virus: nên được dùng sớm, tốt nhất trong vòng 72 giờ đầu. Cần điều chỉnh liều ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận. Có thể lựa chọn một trong các phác đồ sau:

  • Aciclovir 800mg x 5 lần/ngày x 7 ngày hoặc
  • Famciclovir 500mg x 3 lần/ngày x 7 ngày hoặc
  • Valaciclovir 1000mg x 3 lần/ngày x 7 ngày
  • Phụ nữ có thai: aciclovir 800mg x 5 lần/ngày trong 7 ngày

+ Trường hợp suy giảm miễn dịch hay tổn thương lan rộng: Tiêm tĩnh mạch aciclovir 30mg/kg/ngày, chia 3 lần trong 7 ngày hoặc cho đến khi tổn thương đóng vảy tiết

– Điều trị hỗ trợ:

+ Kháng sinh chống bội nhiễm, (nếu có)

+ Kháng viêm, an thần,

+ Các vitamin nhóm B liều cao,

+ Corticosteroid chỉ dùng trong một số trường hợp đặc biệt như hội chứng Ramsey Hunt…

– Điều trị đau cấp:

+ Đau nhẹ có thể dùng NSAIDS hoặc các thuốc giảm đau không chứa opioid như acetaminophen

+ Đau trung bình: nên kết hợp thêm với một loại opioid yếu đến trung bình tùy theo mức độ đáp ứng.

+ Đau nhiều: phối hợp thêm giảm đau opioid mạnh và có thể thêm các uống thuốc chống động kinh, co giật (gabapentin, pregabalin) hoặc thuốc chống trầm cảm ba vòng (amitriptylin).

2.2. Điều trị đau sau zona

Sơ đồ tiếp cận điều trị đau sau zona

– Điều trị tại chỗ:

+ Kem chứa lidocain và prilocain, ngày 3-4 lần. Miếng dán lidocain 5% có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng trong một thời gian ngắn, có thể dán tối đa 3 miếng lên vùng tổn thương trong 12h mỗi ngày.

+ Kem bôi hoặc miếng dán capsaisin bôi tại chỗ: giảm lượng canxi đi vào tiền synap (bằng cách bám vào protein TRPV1 – một kênh canxi, cư trú trên màng tế bào thần kinh cảm giác đau và cảm giác biến nhiệt) nên dây thần kinh không thể truyền cảm giác đau trong một khoảng thời gian, từ đó làm giảm cảm giác đau đớn và phong tỏa viêm thần kinh. Sau khi ngưng sử dụng, tế bào thần kinh sẽ phục hồi. Liều dùng: bôi ngày 3-4 lần, dừng điều trị nếu sau 7 ngày không có hiệu quả.

+ Điều trị bằng Botulinum toxin: một số thử nghiệm nhỏ đã đánh giá tiêm botulinum toxin tại chỗ có thể làm giảm đau sau 2 tuần, tác dụng kéo dài trung bình 16 tuần. Bệnh nhân cải thiện giấc ngủ và giảm sử dụng các thuốc giảm đau khác.

+ Laser năng lượng thấp: hỗ trợ làm giảm đau sớm.

– Điều trị toàn thân:

+ Thuốc chống co giật, động kinh:

  • Gabapentin: liều 900-2000mg/ngày.

✓ Tác dụng phụ: buồn ngủ, ngủ gà, chóng mặt, buồn nôn, đi loạng choạng, run.

✓ Hạn chế tác dụng phụ bằng cách tăng dần liều. Dùng 300mg vào ngày 1, 300mg x 2 lần vào ngày thứ 2, 300mg x 3 lần vào ngày thứ 3, sau đó tăng thêm mỗi 300mg/ngày cho đến liều tối đa nếu cần thiết.

  • Pregabalin: 150mg-300mg/ngày.

✓ Nên dùng tăng dần liều: 75mg x 2 lần mỗi ngày trong một tuần, sau đó 150mg x 2 lần mỗi ngày trong 1-3 tuần, sau đó 300mg x 2 lần mỗi ngày. Khi ngừng thuốc nên giảm liều pregabalin trong 1 tuần để giảm nguy cơ xuất hiện các triệu chứng cai. Tác dụng phụ có thể gặp như buồn ngủ, chóng mặt, khô miệng, tăng cân.

+ Nếu dùng thuốc chống co giật, động kinh không hiệu quả, có thể phối hợp thêm thuốc chống trầm cảm 3 vòng (amitriptylin). Amitriptylin bắt đầu với liều 10mg/ngày, liều tăng lên khi cần thiết và dung nạp được, tối đa 150mg/ngày. Tác dụng phụ: hạ huyết áp tư thế, ngủ gà, khô miệng, lú lẫn, táo bón, bí tiểu, tăng cân. Hạn chế tác dụng phụ bằng cách dùng liều tăng dần. Thận trọng trên bệnh nhân lớn tuổi, suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ, mắc bệnh tim, động kinh hoặc tăng nhăn áp.

+ Carbamazepin liều 400-1200mg/ngày. Tác dụng phụ: chóng mặt, buồn nôn lúc bắt đầu điều trị, hạn chế bằng tăng dần liều.

+ Nhóm thuốc giảm đau opioid (tramadol, fentanyl, morphin,…): có thể sử dụng đường uống hoặc đường truyền.

  1. PHÒNG BỆNH

– Kiểm soát người cao tuổi có bệnh lý mạn tính, yếu tố nguy cơ cao.

– Sử dụng vắc xin: có 2 loại là vắc xin tái tổ hợp và vắc xin sống giảm độc lực.

+ Chỉ định:

  • Đối tượng người lớn tuổi (từ 50 tuổi trở lên).
  • Người trưởng thành từ 19 tuổi trở lên có nguy cơ cao mắc Zona do có tình trạng suy giảm miễn dịch (dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc mắc các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch khác). Với đối tượng này chỉ dùng vắc xin tái tổ hợp và chống chỉ định dùng vắc xin sống giảm độc lực

+ Cách dùng:

  • Vắc xin sống giảm độc lực: tiêm dưới da 1 mũi
  • Vắc xin tái tổ hợp: tiêm bắp 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 2-6 tháng.