ĐẠI CƯƠNG VÀ CHẨN ĐOÁN BỆNH MÀY ĐAY

Logo Bv Tron

ĐẠI CƯƠNG VÀ CHẨN ĐOÁN BỆNH MÀY ĐAY

 

  1. ĐẠI CƯƠNG

1.1. Khái niệm

– Mày đay có biểu hiện lâm sàng là các dát đỏ và/hoặc sẩn phù, có thể kèm theo phù mạch hoặc không; tổn thương ở lớp trung bì hoặc hạ bì.

– Mày đay được phân loại thành mày đay cấp và mày đay mạn:

+ Mày đay cấp: thời gian diễn biến bệnh dưới 6 tuần.

+ Mày đay mạn: trong vòng ít nhất 6 tuần liên tiếp, xuất hiện triệu chứng của mày đay ít nhất 2 ngày/tuần.

1.2. Dịch tễ

Mày đay là bệnh phổ biến, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng độ tuổi thường gặp nhất là từ sơ sinh tới 9 tuổi và từ 30-40 tuổi.

1.3. Căn nguyên/Cơ chế bệnh sinh

– Nhiễm khuẩn: các tế bào viêm tham gia vào phản ứng trong mày đay bao gồm tế bào lympho T CD4+, tế bào đơn nhân, bạch cầu đa nhân trung tính và bạch cầu ái toan với mức độ khác nhau.

– Tác nhân vật lý: nhiệt độ, áp lực, ánh nắng, rung động,…

– Một số tác nhân khác: nước, tiếp xúc, cholinergic…

– Nhóm mày đay tự phát (vô căn) là hay gặp nhất.

– Cơ chế bệnh sinh: tế bào mast đóng vai trò chính, giải phóng histamin, leukotriene, chemokine, cytokine sau khi khử hạt. Vai trò bradykinin gây hoạt hóa tế bào nội mô mạch máu, dần tới giãn mạch, tăng tính thấm thành mạch gây biểu hiện phù mạch trên lâm sàng.

  1. CHẨN ĐOÁN

2.1. Triệu chứng lâm sàng

– Sẩn phù: các sẩn phù màu trắng, đỏ ranh giới rõ và/hoặc quầng đỏ, kích thước 1 – 8 cm hình tròn, ovan, đa cung, mảng lớn, thường xuất hiện và biến mất trong vòng 24 giờ mà không để lại dát thâm.

– Phù mạch: biểu hiện đau, sưng nề bàn tay, chân, môi, mắt, lưỡi, sinh dục, sưng nề thanh gây khó thở. Phù mạch có thể kéo dài đến 72 giờ.

– Cơ năng: ngứa, đôi khi nóng rát tại tổn thương.

– Toàn thân:

+ Các triệu chứng cấp tính như khó thở, suy hô hấp, tiếng rít thanh quản xuất hiện khi có phù mạch gây chít hẹp đường hô hấp, bệnh nhân cần phải xử trí cấp cứu.

+ Các triệu chứng khác tùy thuộc nguyên nhân: sốt, viêm long đường hô hấp, viêm đường hô hấp trên trong mày đay do nhiễm khuẩn.

2.2. Cận lâm sàng

– Xét nghiệm cơ bản:

+ Công thức máu, sinh hóa máu, máu lắng

+ Định lượng IgE, test dị nguyên

+ Xét nghiệm nội soi dạ dày, test Helicobacter pylori đối với bệnh nhân có viêm loét dạ dày – tá tràng

+ Tìm ký sinh trùng

+ Hormon tuyến giáp

+ Tự kháng thể

– Xét nghiệm tìm nguyên nhân đặc hiệu:

+ Mày đay do lạnh: Thử nghiệm kích thích lạnh – test ice cube (nước lạnh, đá).

+ Mày đay do áp lực: Thử nghiệm áp suất (que có trọng lượng 0,2 – 1,5 kg/cm2 đặt ở đùi hoặc lưng trong 10 – 20 phút hoặc đeo 6,8kg túi cát ở vai trong 15 phút ở tư thế ngồi).

+ Mày đay do nhiệt: dùng bồn tắm nóng.

+ Mày đay do ánh sáng: cho tiếp xúc ánh sáng cực tím và ánh sáng nhìn thấy với bước sóng khác nhau.

+ Chứng vẽ nổi: vạch lên da tạo thành tổn thương mày đay (mất đi sau 30 phút).

+ Phù mạch rung động : kích thích rung trong 1 – 5 phút.

+ Mày đay do nước: kích thích bằng áo ướt ở cẳng tay 15 – 20 phút.

+ Mày đay cholinergic: kích thích bằng tập thể dục hoặc tắm nước nóng 15 – 20 phút.

+ Mày đay tiếp xúc: test lẩy da, test áp.

2.3. Chẩn đoán xác định

– Dựa vào triệu chứng lâm sàng với tổn thương cơ bản điển hình: dát đỏ, sẩn phù kèm ngứa thường xuất hiện và biến mất trong vòng 24 giờ, có hoặc không kèm phù mạch.

– Chẩn đoán nguyên nhân dựa vào các xét nghiệm đặc hiệu.

2.4. Chẩn đoán phân loại

2.4.1. Dựa trên thời gian diễn biến bệnh

Dựa trên thời gian diễn biến bệnh, mày đay được phân loại thành mày đay cấp tính và mày đay mạn tính.

– Mày đay cấp tính được định nghĩa là sự xuất hiện tự phát của sẩn phù, phù mạch hoặc cả hai trong thời gian nhỏ hơn hoặc bằng 6 tuần.

– Mày đay mạn tính là mày đay mà triệu chứng sẩn phù hoặc phù mạch hoặc cả hai xuất hiện hàng ngày hoặc gần như hàng ngày trong thời gian trên 6 tuần.

2.4.2. Dựa trên yếu tố khởi phát đặc hiệu

Dựa trên yếu tố gây khởi phát đặc hiệu, mày đay mạn tính được chia thành mày đay mạn tính tự phát (chronic spontaneous urticaria) và mày đay mạn tính cảm ứng (chronic inducible urticaria).

– Mày đay mạn tính tự phát: được định nghĩa là sự xuất hiện một cách tự phát của sẩn phù, phù mạch hoặc cả hai trong thời gian lớn hơn 6 tuần do các nguyên nhân đã biết hoặc chưa biết (nguyên nhân đã biết có thể là tự kháng thể hoạt hóa tế bào mast). Mày đay mạn tính tự phát được chia ra thành: mày đay mạn tính tự miễn và mày đay mạn tính tự phát khác.

– Mày đay mạn tính cảm ứng: đặc trưng bởi sự xuất hiện sẩn phù hoặc phù mạch sau kích thích của các tác nhân đặc hiệu bên ngoài như chà xát, cào gãi, áp lực, ánh sáng, nhiệt độ, nước… Mày đay mạn tính cảm ứng được chia ra thành 2 nhóm chính:

+ Mày đay vật lý:

  • Mày đay do lạnh: gây ra bởi vật liệu lạnh, không khí, chất lỏng, gió. Ngưỡng nhiệt độ gây khởi phát triệu chứng tùy thuộc từng người. Mày đay do lạnh có thể liên quan đau đầu, hạ huyết áp, ngất, khó thở, rối loạn tiêu hóa khi cơ thể tiếp xúc trực tiếp mới mô trường lạnh.
  • Mày đay do áp lực: do áp suất tác động lên da tạo sẩn phù trong vòng 3 – 12 giờ.
  • Mày đay do nhiệt: tác động nhiệt cục bộ gây nên tổn thương da tại chỗ. Thường gặp mày đay nhiệt liên quan nghề nghiệp (công nhân lò than, lò gạch).
  • Mày đay do ánh nắng: do bức xạ từ tia cực tím và hoặc ánh sáng nhìn thấy. Vị trí xuất hiện tổn thương ở vùng da tiếp xúc trực tiếp.
  • Chứng vẽ nổi: xuất hiện sẩn phù khi vạch lên da (trong vòng 5 – 15 phút), có liên quan đến mày đay áp lực, gặp ở 2 – 4% dân số.
  • Mày đay do rung động: thường xuất hiện khi chịu tác động của lực rung (liên quan nghề nghiệp: công nhân làm đường, lái xe, thợ khoan). Tính chất di truyền cũng đường mô tả đi kèm với triệu chứng đỏ mặt.

+ Mày đay không do tác nhân vật lý:

  • Mày đay do nước: hiếm gặp, triệu chứng ngứa và/hoặc kèm tổn thương da xuất hiện khi tiếp xúc với nước ở bất kì nhiệt độ nào. Các dát đỏ, sẩn phù nhỏ thường nhỏ, đồng đều giống trong mày đay cholinergic. Bệnh thường vô căn, tuy nhiên có liên quan đến chứng da khô ở người cao tuổi, bệnh đa hồng cầu, bệnh Hodgkin, hội chứng tăng bạch cầu ái toan.
  • Mày đay cholinergic: xuất hiện tổn thương khi gia tăng nhiệt độ cơ thể (sau khi tập thể dục, tắm nước ấm, trong cơn sốt). Thường gặp ở người trẻ (10 – 20 tuổi). Tổn thương da của mày đay mạn thường là sẩn, dát đỏ nhỏ 1 – 2mm, kèm theo ngứa.
  • Mày đay tiếp xúc: Xảy ra khi tiếp xúc với các chất khác nhau. Cơ chế qua trung gian IgE hoặc không. Các chất nhựa latex thường gặp gây mày đay tiếp xúc.

2.5. Chẩn đoán phân biệt

– Bệnh tế bào mast.

– Viêm da cơ địa.

– Pemphigoid giai đoạn sẩn ngứa.

– Sẩn ngứa ở phụ nữ có thai.

– Phát ban do thuốc.

– Hồng ban đa dạng.

– Lupus ban đỏ hệ thống.

– Mày đay viêm mạch