CHẨN ĐOÁN VIÊM DA DẠNG HERPES

CHẨN ĐOÁN VIÊM DA DẠNG HERPES

 

  1. CHẨN ĐOÁN

1.1. Triệu chứng lâm sàng

– Tổn thương thường xuất hiện từ từ trên một thể trạng bình thường. Bệnh nhân sốt nhẹ hoặc không sốt, mệt mỏi, sút cân không đáng kể. Trên các vùng da sắp có tổn thương thường có dấu hiệu báo trước là ngứa, sau đó là bỏng rát hoặc đau.

– Tổn thương lúc khởi phát là các ban đỏ, mụn nước, sẩn mày đay, sau dần dần xuất hiện bọng nước. Bọng nước thường xuất hiện trên nền dát đỏ, sắp xếp lẻ tẻ hay cụm lại như trong bệnh herpes nên còn gọi là “viêm da dạng herpes”. Các bọng nước to bằng hạt ngô, căng, tròn và bóng, trong chứa dịch màu vàng chanh, hiếm khi có bọng nước xuất huyết, xung quanh bọng nước có quầng đỏ. Bọng nước tồn tại 5-7 ngày, sau đó trở nên đục nếu có bội nhiễm. Sau vài ngày bọng nước vỡ ra để lại vết trợt, đóng vảy tiết.

– Trên cùng một bệnh nhân, các tổn thương thường đa dạng, nhiều hình thái và nhiều lứa tuổi, có chỗ là ban đỏ, có chỗ là bọng nước, có chỗ là sẩn phù, mụn nước, thậm chí có chỗ chỉ là một dát sẫm màu.

– Dấu hiệu Nikolsky âm tính.

– Vị trí tổn thương thường ở khuỷu tay, đầu gối, mông, đùi, sau đó là ở lưng và bụng, hiếm khi có tổn thương ở kẽ nách, vùng xương cùng. Ở phần lớn các trường hợp, tổn thương có tính chất đối xứng.

– Tổn thương niêm mạc ít gặp, chỉ khoảng 4,6% bệnh nhân DH, nếu có, thường ở họng.

– Ở nhiều bệnh nhân, bệnh xuất hiện hoặc nặng lên trong vòng vài giờ hoặc vài ngày khi ăn chế độ ăn có gluten hoặc iode. Ngoài ra còn có thể thấy trên bệnh nhân đái đường typ I, bệnh tuyến giáp, bệnh máu ác tính và các u lympho.

– Tiến triển: Bệnh tiến triển mạn tính, thành từng đợt, lúc tăng lúc giảm, lúc tạm ổn định. Một phần ba trường hợp có thể tự khỏi. Bệnh có thể tái phát nhưng có thể khống chế được nhờ uống sulfon (dapson) hoặc chế độ ăn không có gluten. Có trường hợp bệnh kéo dài suốt đời nhưng bệnh nhân vẫn sinh hoạt, lao động như bình thường, trừ vài trường hợp ở người cao tuổi, lâu ngày có thể bị suy kiệt.

1.2. Cận lâm sàng

– Xét nghiệm tế bào Tzanck : không có tế bào gai lệch hình, xâm nhập viêm chủ yếu bạch cầu đa nhân trung tính.

– Mô bệnh học: bọng nước dưới thượng bì. Thượng bì hoàn toàn bình thường và bị đẩy lên cùng màng đáy, không có hiện tượng tiêu gai. Đỉnh nhú bì thâm nhiễm chủ yếu là bạch cầu đa nhân trung tính, đôi khi có bạch cầu đa nhân ái toan. Ở trung bì nông có thâm nhiễm tế bào lympho, bạch cầu trung tính, bạch cầu ái toan xung quanh mạch máu.

– Miễn dịch huỳnh quang:

+ Miễn dịch huỳnh quang trực tiếp: là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh DH. Có sự lắng đọng dạng hạt của IgA ở đỉnh nhú bì hay ranh giới trung bì-thượng bì. Ngoài ra, có thể thấy sự lắng đọng của bổ thể C3 và fibrinogen. Sự lắng đọng IgA có thể trong vùng tổn thương và ngoài vùng tổn thương.

+ Miễn dịch huỳnh quang gián tiếp: kháng thể IgA tuần hoàn có thể tìm thấy trên khoảng 70% bệnh nhân và hiệu giá kháng thể có liên quan đến mức độ trầm trọng của tổn thương teo các sợi lông nhung vùng hỗng tràng.

– Xét nghiệm máu: nói chung không đặc hiệu, có thể thấy số lượng bạch cầu ái toan tăng trên 10%.

1.3. Chẩn đoán xác định:

Chẩn đoán xác định dựa vào lâm sàng và xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang trực tiếp.

1.4. Chẩn đoán phân biệt

– Hồng ban đa dạng

– Chốc

– Pemphigus

– Bệnh zona

– Bệnh herpes

– Bệnh ly thượng bì bọng nước bẩm sinh

– Bệnh porphyria da

– Ly thượng bì bọng nước mắc phải

– Pemphigoid bọng nước