CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ U MỀM LÂY

CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ U MỀM LÂY

 

  1. ĐẠI CƯƠNG

1.1. Khái niệm

U mềm lây là bệnh nhiễm trùng da do Molluscum Contagiosum Virus (MCV) gây nên, đặc trưng bởi các sẩn lõm giữa, sờ mềm, rải rác trên cơ thể.

1.2. Dịch tễ

– Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường gặp nhất ở trẻ em.

– Phương thức lây truyền là tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp qua các dụng cụ, tắm cùng bể tắm, dùng khăn, dụng cụ thể thao chung hoặc ngồi cùng ghế.

1.3. Căn nguyên/ Cơ chế bệnh sinh

Virus MCV thuộc nhóm poxvirus, có 4 type virus là MCV 1, 2, 3 và 4. Hai type thường gặp là MCV 1 và MCV 2. Tuy nhiên, type 1 là nguyên nhân chủ yếu còn type 2 thường gây u mềm lây ở người lớn và được xếp vào nhóm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

  1. CHẨN ĐOÁN

2.1. Triệu chứng lâm sàng

– Thời gian ủ bệnh: từ 2 tuần đến 6 tháng.

– Tổn thương cơ bản là các sẩn mềm màu hồng nhạt, trắng đục hoặc vàng hoặc màu da thường với kích thước từ 2-6mm đường kính, lõm giữa, đứng riêng rẽ hoặc thành từng đám, có thể sắp xếp thành dải, theo vệt (dấu hiệu Koebner). Vị trí thường gặp ở trẻ em là vùng da hở như mặt, cổ, nếp gấp. Vị trí thường gặp ở người lớn là vùng bụng dưới, phía trong đùi, xương mu và sinh dục. Bệnh có thể xuất hiện ở một vài vị trí ít gặp như miệng, lưỡi, lòng bàn tay, bàn chân.

– Ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, mắc các bệnh mạn tính, bẩm sinh, hoặc điều trị bằng các thuốc ức chế miễn dịch, tổn thương u mềm lây thường có kích thước lớn hơn, lan tỏa toàn thân với số lượng nhiều và tồn tại dai dẳng.

2.2. Cận lâm sàng

– Xét nghiệm tế bào Tzanck: phát hiện các tế bào sừng có kích thước lớn, trong chứa nhiều thể vùi (tiểu thể mềm lây).

– Mô bệnh học: Ít khi chỉ định, thường làm để chẩn đoán phân biệt với các bệnh da khác.

– Dermoscopy: hình ảnh cấu trúc màu trắng ở trung tâm, giãn mạch máu ở rìa tổn thương tạo hình ảnh vương miện.

– PCR: ít khi sử dụng.

2.3. Chẩn đoán xác định

Chủ yếu dựa vào các đặc điểm lâm sàng và xét nghiệm tế bào học

2.4. Chẩn đoán phân biệt

– Milia.

– Hạt cơm phẳng.

– U ống tuyến mồ hôi.

– Tổn thương da do Penicillium marneffei.

  1. ĐIỀU TRỊ

3.1. Nguyên tắc điều trị

– Loại bỏ tổn thương.

– Phòng tránh tái nhiễm.

– Điều trị các bệnh kèm theo: viêm da cơ địa, khô da.

3.2. Điều trị cụ thể

– Loại bỏ tổn thương bằng curett

– Điều trị bằng các thuốc bôi:

+ Dung dịch KOH 5- 10%: chấm dung dịch lên đúng tổn thương bằng tăm nhọn, ngày một lần cho đến khi tổn thương đỏ, đóng vảy tránh vị trí sát mắt. Ưu điểm là phương pháp rẻ tiền. Thận trọng có thể gây loét hoặc sẹo xấu nếu chấm một lượng thuốc lớn.

+ Salicylic 10-30%: bôi ngày 2-3 lần cho đến khi hết tổn thương.

+ Imiquimod 5%: bôi thuốc vào buổi tối, rửa sạch sau 8-10 giờ. Một tuần bôi ba ngày liên tiếp, nghỉ 4 ngày, tuần tiếp theo điều trị với liệu trình tương tự. Thời gian bôi tối đa có thể tới 16 tuần. Không dùng cho trẻ < 12 tuổi

– Một số phương pháp điều trị khác: bôi cantharidin, podophyllotoxin.

  1. PHÒNG BỆNH

– Vệ sinh cá nhân.

– Tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh, nhất là ở những nơi có nhiều virus như bể bơi, nhà tắm công cộng.

– Cần theo dõi và điều trị sớm ở những người có nguy cơ mắc bệnh cao như trẻ em mắc viêm da cơ địa, khô da.