CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH THỦY ĐẬU
- ĐẠI CƯƠNG
1.1. Khái niệm
Thuỷ đậu là bệnh lý phát ban và mụn nước cấp tính, có thể lây truyền thành dịch. Bệnh thường lành tính, tuy nhiên cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não…
1.2. Dịch tễ
Bệnh lây truyền trực tiếp từ người sang người, qua đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ em.
1.3. Căn nguyên/ Cơ chế bệnh sinh
Tác nhân gây thủy đậu là Varicella zoster virus-VZV, thuộc họ Herpeviridae. Đường lây chủ yếu qua hô hấp, virus được bài tiết qua niêm mạc mũi họng và truyền cho người khác. Virus cũng được bài xuất qua các tổn thương mụn nước và lây truyền cho trực tiếp cho người nhiễm. Bệnh nhân có thể lây bệnh cho người khác từ 1-2 ngày trước khi nổi ban đỏ cho đến khi mụn nước cuối cùng đóng vảy tiết.
- CHẨN ĐOÁN
2.1. Triệu chứng lâm sàng
– Thời gian ủ bệnh khoảng 14 ngày (10 – 23 ngày). Trước khi xuất hiện các mụn nước thuỷ đậu có thể có triệu chứng toàn thân như: sốt, nhức đầu, mệt mỏi…
– Triệu chứng da xuất hiện sớm nhất là các ban đỏ, các sẩn sau đó nhanh chóng thành các mụn nước. Các mụn nước rất nhỏ như những giọt sương trên cánh hoa hồng, nông, xung quanh là quầng đỏ, ở giữa lõm. Kích thước mụn nước khoảng 2-3mm. Mụn nước nhanh chóng thành mụn mủ và đóng vảy tiết, có thể mọc ở niêm mạc mắt miệng, để lại vết trợt nông nhưng thường ít. Trên người bệnh cùng lúc các tổn thương là sẩn, mụn nước, mụn mủ và vẩy tiết.
– Những biến chứng nghiêm trọng của thuỷ đậu có thể xảy ra trên những người có suy giảm miễn dịch như dùng corticosteroid, các thuốc ức chế miễn dịch khác, nhiễm HIV/AIDS… Các biến chứng khác có thể xảy ra là viêm phổi, viêm não – màng não, nhiễm khuẩn tại chỗ… Phụ nữ có thai mắc thuỷ đậu trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây sảy thai, tử vong thai nhi hay bị dị tật như đầu nhỏ, bại não, sẹo trên da bẩm sinh do các nốt thuỷ đậu để lại…
2.2. Cận lâm sàng
– Xét nghiệm tế bào Tzanck: có tế bào đa nhân khổng lồ tại nền bọng nước của tổn thương.
– Xét nghiệm tìm căn nguyên: PCR
– Xét nghiệm đánh giá tình trạng viêm: CRP, bạch cầu, máu lắng… có thể tăng
– Xquang ngực trong trường hợp nghi ngờ viêm phổi
2.3. Chẩn đoán xác định
Dựa vào lâm sàng và xét nghiệm tế bào học dịch tổn thương trong một số trường hợp không điển hình.
2.4. Chẩn đoán phân biệt.
– Bệnh tay chân miệng
– Chốc
– Herpes simplex
– Zona trên bệnh nhân suy giảm miễn dịch
– Eczema herpesticum
- ĐIỀU TRỊ
3.1. Nguyên tắc điều trị
– Điều trị sớm, nâng cao thể trạng
– Sử dụng thuốc kháng vi rút
– Điều trị biến chứng
3.2. Điều trị cụ thể
3.2.1. Điều trị tại chỗ
– Chăm sóc các tổn thương da: dùng các dung dịch sát khuẩn, kháng sinh chống bội nhiễm
– Khi mắc bệnh vẫn cần vệ sinh hàng ngày để tránh nhiễm trùng.
3.2.2. Điều trị toàn thân
– Điều trị thuốc kháng virus:
+ Đối với những người có nguy cơ cao bị biến chứng như người lớn chưa tiêm phòng, phụ nữ có thai, người bị suy giảm miễn dịch, nên sử dụng thuốc kháng virus sớm trong vòng 24 giờ đầu sau khi phát ban:
- Người lớn và trẻ ≥ 12 tuổi: Aciclovir 800 mg, uống 5 viên/ ngày, chia 5 lần, cách 4h uống 1 viên, trong 1 tuần hoặc valaciclovir 1g, uống 3 lần/ ngày, cách nhau 8h, trong 1 tuần, hoặc famciclovir 500mg, uống 3 lần/ ngày, cách nhau 8h, trong 7-10 ngày.
- Trẻ <12 tuổi: aciclovir 20 mg/kg 6 giờ một lần hoặc valaciclovir 20mg/kg, cách nhau 8h uống 1 liều, trong 5-7 ngày.
- Người bệnh suy giảm miễn dịch nặng, thủy đậu biến chứng viêm não: ưu tiên aciclovir tĩnh mạch, ít nhất trong giai đoạn đầu, liều 10 – 12,5 mg/kg, 8 giờ một lần, để làm giảm các biến chứng, thời gian điều trị là 7 ngày.
– Điều trị biến chứng viêm phổi, bội nhiễm tổn thương da nếu có.
– Điều trị hỗ trợ:
+ Hạ sốt bằng paracetamol, tránh dùng aspirin để ngăn ngừa hội chứng Reye
+ Giảm ngứa bằng kháng histamin
+ Tăng cường dinh dưỡng
- PHÒNG BỆNH
– Tránh tiếp xúc với nguồn lây, người mắc bệnh nên cách ly với những người khác trong cộng đồng cho đến khi khỏi bệnh.
– Tiêm phòng vắc xin thủy đậu. Vaccin thủy đậu là vaccin sống giảm độc lực, tái tổ hợp được chỉ định cho tất cả trẻ em trên 1 tuổi chưa mắc thủy đậu và người lớn chưa có kháng thể. Vaccin thủy đậu có tính an toàn và hiệu quả cao.