Đối với bệnh chốc lở đặc biệt ở trẻ em, cha mẹ có thể xác định trẻ đã bị bệnh khi thấy những bóng nước nhỏ trên da từ từ lan rộng ra toàn bộ cơ thể. Chốc lở ở trẻ em cần được chẩn đoán chính xác và kịp thời chữa trị trước khi xảy ra biến chứng làm sức khỏe của trẻ xấu đi.
Chẩn đoán bệnh chốc
Chẩn đoán chốc chủ yếu dựa vào các đặc điểm triệu chứng lâm sàng như nổi mụn nước, bọng nước hóa mủ nhanh, đập vỡ tạo thành vết trợt nông trên da, đóng vảy tiết, màu vàng mật ong, vị trí hay gặp là quanh mũi, miệng, da đầu, tay chân.
Ngoài ra, có thể làm một số xét nghiệm như nhuộm soi tìm vi khuẩn, nuôi cấy vi khuẩn, công thức bạch cầu (có tăng bạch cầu trung tính), mô bệnh học.
Đặc điểm mô bệnh học bệnh chốc:
- Chốc không bọng nước: có tụ cầu gram dương, mụn mủ chứa bạch cầu trung tính trong thượng bì, xâm nhập viêm dày đặc ở trung bì nông.
- Chốc bọng nước: thượng bì bị tách ở lớp hạt mà không có hiện tượng viêm, không có vi khuẩn, có hiện tượng ly gai, xâm nhập viêm nhẹ ở trung bì nông. – Chốc loét: vết loét sâu, có cầu khuẩn bắt màu gram trong trung bì.
Các biện pháp điều trị Chốc
Bệnh Chốc nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng đáng tiếc không đáng có.
Nguyên tắc:
- Cần điều trị toàn thân kết hợp điều trị tại chỗ.
- Chống ngứa: tránh làm lây lan thương tổn
- Điều trị cả biến chứng nếu có.
Điều trị cụ thể:
– Tại chỗ:
- Làm sạch vùng thương tổn, loại bỏ vảy tiết, da hoại tử
- Sát trùng thương tổn bằng các dung dịch: povidone iodine, hydrogen peroxide, chlorhexidine, thuốc tím pha loãng 1/10000… hoặc dùng kháng sinh bôi vùng thương tổn: acid fusidic, mupirocin, erythromycin 2-3 lần/ ngày
- Với những thương tổn bọng nước, bọng mủ, dùng dung dịch màu: milian, castellani, dung dịch eosin 2%…để làm khô cũng như sát khuẩn thương tổn.
- Che phủ vùng thương tổn bằng gạc sạch
- Trường hợp thương tổn vảy tiết nhiều: dùng gạc tẩm nước muối sinh lý 9‰, thuốc tím pha loãng 1/10.000 hoặc dung dịch Jarish đắp lên tổn thương, đắp liên tục đến khi bong hết vảy tiết.
– Toàn thân:
- Trường hợp chốc nhiều tổn thương, lan rộng: dùng kháng sinh toàn thân (Cephalexin, Docloxacin, Clindamycin, Amoxicillin/ clavulanic), liều lượng ở người lớn, trẻ em sẽ khác nhau. Khi dùng thuốc kháng sinh nếu không thấy hiệu quả thì cần làm kháng sinh đồ.
- Dùng thuốc chống dị ứng: để giảm ngứa khi có ngứa
- Điều trị cả các biến chứng nếu có
Lưu ý chăm sóc tại nhà
- Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ vùng thương tổn chốc
- Tắm bằng nước chè xanh: giúp khô se những tổn thương bọng nước rất tốt.
- Dùng các thuốc sát trùng như betadine, xanh methylen để vệ sinh hàng ngày vùng thương tổn.
– Theo dõi sát tình trạng thương tổn, nếu không cải thiện hoặc có xu hướng nặng lên thì cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra.
– Đối với trẻ bị chốc, cha mẹ cần cho con nghỉ tại nhà để kiểm soát các hoạt động của con, theo dõi sát, tránh để trẻ sờ, gãi vùng thương tổn do tình trạng ngứa của bệnh, ngăn ngừa việc lây lan thương tổn, dẫn đến các biến chứng, cũng như tránh lây lan sang cho các trẻ khác, người khác.