BỆNH THỦY ĐẬU
(Varicella hay Chickenpox)
- Đại cương:
– Là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp do vi rus Varicella-Zoster Virus (VZV) gây nên. Hay lây, có thể gây dịch.
– Lâm sàng: sốt, phát ban và mụn nước ở da và niêm mạc, ban mọc thành nhiều đợt cách nhau 3 – 4 ngày.
– Thường lành tính.
– Bệnh nhân có miễn dịch với thủy đậu cũng có khả năng miễn dịch với Zona.
– Nguồn lây: Bệnh lây qua đường hô hấp (virus có trong nước bọt, dịch tiết khi ho, hắt hơi…) , hiếm khi lây qua các tổn thương da, niêm mạc.
– Thời gian lây nhiễm là 2 – 5 ngày đầu khi bắt đầu có các triệu chứng.
– Gặp ở mọi lứa tuổi, 90% <13 tuổi.
– Mùa bị bệnh: hay gặp cuối đông và đầu mùa xuân.
- CHẨN ĐOÁN
1.Chẩn đoán xác định: Dựa vào dịch tễ, lâm sàng, xét nghiệm.
1.1. Dịch tễ học:
Có tiếp xúc với bệnh nhân bị thủy đậu.
1.2. Lâm sàng:
1.2.1. Thời kỳ ủ bệnh:
Từ 10-21 ngày, trung bình 14 ngày, hoàn toàn yên lặng
1.2.2. Thời kỳ khởi phát: kéo dài 24 – 48h.
– Sốt: thường sốt nhẹ 37 – 38oc đôi khi sốt cao 39 – 40oc, kèm theo ớn lạnh.
– Mệt mỏi, chán ăn, nhức đầu.
– Có thể có phát ban.
– Đối với BN suy giảm MD thường sốt cao hơn và thời kỳ này cũng kéo dài hơn.
1.2.3. Thời kỳ toàn phát: mụn nước
– Hình bán cầu, lõm giữa. Xung quanh là viền da đỏ.
– Kích thước: ĐK từ 3-10 mm.
– Số lượng mụn nước càng nhiều thì bệnh càng nặng.
– Vị trí: da, niêm mạc.
– Xuất hiện ở thân mình, mặt. Sau lan ra toàn thân.
– Mụn nước lúc đầu trong, sau 24h hóa mủ rồi vỡ và đóng vảy tiết.
– Nhiều mụn nước tập trung lại có thể tạo thành bọng nước.
– Toàn thân: sốt nhẹ. Có thể có ngứa.
1.2.4. Thời kỳ hồi phục: Sau 1 tuần mụn nước đóng vảy tiết, khô và bong đi để lại dát thâm hoặc giảm sắc tố. Thường không để lại sẹo trừ những trường hợp bội nhiễm. Miễn dịch tương đối bền vững
Một số thể lâm sàng đặc biệt của thủy đậu:
+ Nhiễm VZV ở thời kỳ sơ sinh: TH nhiễm VZV nặng, sơ sinh có thể tử vong (30%)
+ Nhiễm VZV ở phụ nữ có thai:
– Mẹ: có nguy cơ viêm phổi thủy đậu.
– Con: nếu mẹ bị thủy đậu ở 3 tháng cuối thì con đẻ ra có thể mắc thủy đậu bẩm sinh (2%).
– Mắt: viêm màng mạch võng mạc.
+ Nhiễm VZV ở người suy giảm miễn dịch: bệnh thường nặng
– Tổn thương nhiều cơ quan: gan, phổi, TKTW.
– Dễ có biến chứng (30-50%).
– Thời gian hồi phục chậm hơn so với bình thường 3 lần.
– Tử vong 15-18%.
1.3.Cận lâm sàng:
– Tế bào Tzanck: thấy tế bào gai lệch hình và tế bào đa nhân khổng lồ.
– Nuôi cấy phân lập virus
– Miễn dịch huỳnh quang trực tiếp.
– Xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể IgG tạo thành do miễn dịch tự nhiên.
- Chẩn đoán phân biệt:
2.1. Bệnh chân tay miệng:
– Do virus Coxsackie A 16 gây nên.
– Thường ở trẻ nhỏ.
– Phát ban dạng nốt phỏng- áp tơ ở khoang miệng, ở mặt trong của má và lưỡi.
2.2. Chứng ngứa sẩn:
– Ở giai đoạn đầu khi chưa mọc các nốt phỏng cần phân biệt với các sẩn ngứa.
– Ban sẩn ngứa thường ở dạng sẩn trên da, nhưng không có ở mặt và ở da đầu
(ngược lại với thủy đậu)
2.3. Bệnh chốc
2.4. viêm da dạng Herpes
III. Biến chứng:
– Bội nhiễm da: thường gặp do Staphylococcus aureus và Streptococcus Pyogenes. các thương tổn có thể để lại sẹo.
– Viêm phổi thủy đậu: có thể do thủy đậu hoặc do vi khuẩn.
+ Biến chứng nặng nề.
+ Người lớn và người suy giảm miễn dịch chiếm 20-30%.
+ Lâm sàng: sốt cao, ho, khó thở, tím tái, đau ngực, ho ra máu.
+ XQ:phổi có hình ảnh thâm nhiễm dạng nốt hoặc viêm phổi kẽ.
– Dị tật bẩm sinh
– Viêm não- màng não thủy đậu:
+ Là biến chứng thường gặp nhất.
+ Xảy ra sau khi nổi mụn nước 6 ngày, hoặc trong thời kỳ ủ bệnh hoặc trong
thời hồi phục.
+ Lâm sàng: đột ngột sốt tăng lên, nhức đầu, li bì, nhiều khi co gật và liệt. Khám có hội chứng màng não. Nước não tủy trong, có bạch cầu lympho, albumin tăng nhẹ.
- Điều trị:
– Khi có các dấu hiệu trên nên đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa.
– Thường điều trị tại nhà, các trường hợp nặng và có biến chứng thì phải nhập viện để theo dõi và xử trí kịp thời.
- Nguyên tắc điều trị:
– Hầu hết chỉ cần điều trị triệu chứng chống ngứa, chống nhiễm trùng, tăng sức đề kháng và dùng thuốc kháng virus.
– Điều trị triệu chứng các thương tổn gây ngứa bằng kháng histamin.
– Các thuốc kháng virus như acyclovir, valacyclovir.
– Trường hợp bội nhiễm dùng các thuốc bôi chống nhiễm trùng như dung dịch milian, mỡ mupirocin và nếu cần dùng kháng sinh toàn thân.
- Phác đồ:
– Người lớn:
+Acyclovir 800mg, uống 5 viên/ ngày, chia 5 lần, cách 4 giờ uống 1 viên trong 1 tuần hoặc.
+ Valacyclovir 1g, uống 3 lần / ngày, cách nhau 8 giờ, trong 1 tuần.
+ Trường hợp suy giảm miễn dịch nặng truyền acyclovir đường tĩnh mạch
+ Trường hợp virus kháng acyclovir: foscanet 40mg/kg cân nặng, truyền 3 liều/ngày, cách nhau 8 giờ cho đến khi bệnh khỏi.
– Trẻ em từ 2 – 18 tuổi:
+ Acyclovir: uống liều 20mg/kg cân nặng, cứ 6 giờ uống 1 liều trong 5-7 ngày, hoặc
+ Valacyclovir 20mg/ kg cân nặng, cách nhau 8 giờ uống 1 liều trong 5 đến 7 ngày.
+Trẻ sơ sinh: Acyclovir 10mg/ kg cân nặng, uống cách nhau 8 giờ một liều trong 10 ngày.
- Phòng bệnh:
– Cách ly, tránh tiếp xúc với người bị bệnh cho đến khi mụn nước đóng vảy tiết.
- Phòng không đặc hiệu:
– Phát hiện bệnh sớm ở thời kì khởi phát tránh lây lan.
– Tiêm globulin miễn dịch:
+ Mục đích: phòng ngừa thủy đậu ở những người bị suy giảm miễn dịch khi tiếp xúc với người mắc bệnh thủy đậu.
+ Liều lượng: 0,3ml/kg, tiêm bắp một lần.
+ Liều tiêm có thể dao động từ 2 – 10ml.
- Phòng bệnh đặc hiệu:
– Tiêm vacxin thủy đậu: là loại vaccin sống giảm động lực.
+ Tiêm cho trẻ từ 12 – 18 tháng tuổi.cho thanh thiếu niên và người lớn chưa từng bị bệnh và chưa tiêm phòng thủy đậu. Hiệu quả của vaccin có thể đến 10 năm.
+ Những trẻ đã mắc thủy đậu thì không cần tiêm phòng vaccin vì sau khi bị đã có kháng thể, có tác dụng bảo vệ suốt đời.
* Cần theo dõi sát trình trạng bệnh, nếu thấy sốt cao, mệt mỏi, lờ đời, hoặc đau đầu, nôn mửa, thở khò khè, thở nhanh thì cần đưa đi bệnh viện ngay.
– Khi mắc bệnh cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ để tránh bội nhiễm và đến khám các bệnh viện chuyên khoa.
Bs Thuần – Khoa Khám Bệnh CS2