NGHIỆM THU ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP CƠ SỞ NĂM 2019
Nhằm thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong CBVC và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào phát triển chuyên môn của Bệnh viện năm 2019, Bệnh viện Da liễu Hà Nội tổ chức triển khai 04 đề tài NCKH cấp cơ sở. Cho đến nay, các đề tài đã được thực hiện và hoàn thành đúng tiến độ. Trong hai ngày 19 và 20/11/2019, Bệnh viện đã tổ chức nghiệm thu 04 đề tài với kết quả như sau:
1. Đánh giá đặc điểm lâm sàng và kết quả điều trị Bớt rượu vang bằng Laser V-beam tại bệnh viện Da liễu Hà Nội.
Qua nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và đánh giá kết quả điều trị của 34 bệnh nhân, chúng tôi rút ra một số kết luận sau:
1.1. Đặc điểm lâm sàng của bớt rượu vang
Độ tuổi trung bình của nhóm bệnh nhân nghiên cứu là 23.3
Tỷ lệ nam nữ: 1/4
Số lượng thương tổn trên 1 bệnh nhân chủ yếu có 1 dị dạng (82.4%).
Thời gian xuất hiện: 97.1% các dị dạng xuất hiện ngay sau khi sinh. Để phân biệt dị dạng mạch máu và U mạch máu ở trẻ em có thể dựa vào thời gian xuất hiện để phân biệt.
Vị trí bớt rượu vang theo vùng chi phối của dây thần kinh V: 47.06% PWS có vị trí nằm riêng biệt theo 3 vùng chi phối của dây V, phối hợp giữa V1 và V2 chiếm 61.76%, vùng chi thể và thân mình chiếm 20.59%.
Đặc điểm: Màu đỏ sẫm chiếm 82.35%, bề mặt da bớt phẳng chiếm 88.24%, 100% bớt phát triển theo sự phát triển của cơ thể. Vì vậy, có thể chẩn đoán được PWS dựa vào đặc điểm lâm sàng.
1.2. Kết quả điều trị Laser Vbeam
– Kết quả điều trị Laser: Từ mức khá trở lên chiếm cao nhất 60%, mức trung bình 35%, mức kém 5%.
– Về tuổi điều trị: Bệnh nhân càng điều trị sớm kết quả từ mức khá trở lên càng cao (50%).
– Kết quả điều trị không phụ thuộc vào vị trí và kích thước tổn thương.
– Màu sắc của thương tổn càng đậm thì kết quả đáp ứng từ mức khá trở lên càng cao (61.11%).
– Bề mặt tổn thương bằng phẳng đáp ứng tốt hơn điều trị (64.7%).
– Không ghi nhận biến chứng khi điều trị bớt rượu vang bằng Laser Vbeam.
– Mức độ hài lòng của người bệnh: 60% bệnh nhân rất hài lòng với điều trị.
- Điều trị bằng Laser Vbeam không làm hết hoàn toàn tổn thương, nhưng điều trị sớm, bề mặt tổn thương bằng phẳng cho đáp ứng kết quả cao hơn và bệnh nhân hài lòng với kết quả điều trị.
- Đề tài được nghiệm thu và xếp loại giỏi.
2. Đánh giá hiệu quả điều trị vảy nến thông thường bằng UVB dải hẹp
Nghiên cứu 162 bệnh nhân vảy nến trong thời gian từ tháng 1/2019 đến 11/2019, chúng tôi rút ra những kết luận sau đây:
– Phần lớn bệnh nhân vảy nến tập trung ở độ tuổi 20-60
– Tuổi khởi phát chủ yếu trước 40 tuổi (chiếm 72,22%).
– Bệnh vảy nến gặp ở nam nhiều hơn nữ.
– Có 3,7% bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc bệnh vảy nến.
– Phần lớn bệnh nhân có triệu chứng ngứa ở các mức độ khác nhau.
– Tổn thương da khởi phát chủ yếu gặp ở vùng da đầu chiếm 80,25%. Tổn thương da hiện tại chủ yếu ở thân mình và da đầu.
– Vảy nến thể mảng chiếm tỷ lệ cao nhất (88,27%). Trong đó chủ yếu là vảy nến thông thường mức độ vừa (47,53%).
– Có 31,48% bệnh nhân vảy nến có rối loạn chuyển hóa Lipid, tăng huyết áp là 19,75%.
- Đánh giá hiệu quả điều trị
– Tỷ lệ đạt PASI75 là 70,37%. Điểm PASI ban đầu càng thấp thì tỷ lệ sạch tổn thương càng cao. Tỷ lệ đạt PASI75 không phụ thuộc các yếu tố như: thời gian bị bệnh, khởi phát sớm hay muộn, tiền sử gia đình, giới tính.
– Số lần chiếu trung bình cần thiết để đạt PASI75 là 20 lần chiếu, thời gian điều trị trung bình là khoảng 49 ngày, liều tích lũy trung bình 21 J/cm2.
– Tỷ lệ tác dụng phụ đỏ da là 29,6%, ngứa là 77,78%.
- Kết luận:
– NBUVB là phương pháp điều trị vảy nến tốt, hiệu quả và an toàn. Vì vậy nên được chỉ định cho các bệnh nhân vảy nến thông thường mức độ vừa và nặng.
– Cần có nghiên cứu dài hơn nữa để đánh giá thời gian ổn định bệnh của điều trị NBUVB.
- Đề tài được nghiệm thu và xếp loại xuất sắc.
3. Khảo sát liên quan hình ảnh siêu âm tuyến giáp trên nữ bệnh nhân trứng cá trưởng thành tại bệnh viện Da liễu Hà Nội năm 2018.
– Bệnh nhân trứng cá nữ trưởng thành được chỉ định siêu âm phần lớn có hình ảnh siêu âm tuyến giáp bình thường (85,9%), số bệnh nhân có hình ảnh siêu âm tuyến giáp khác biệt chiếm tỷ lệ thấp (14,1%).
– Hình ảnh siêu âm tuyến giáp khác biệt chiếm tỷ lệ cao nhất là nang tuyến giáp (51%), sau đó là nhân tuyến giáp – Trirads 3 (35,6%) và nhân tuyến giáp – Trirads 4 (12,5%). Chỉ có 01 bệnh nhân có hình ảnh nhu mô tuyến giáp không đều, giảm âm và tăng tưới máu, chiếm tỷ lệ 0,9%.
– Hướng xử trí với các bệnh nhân có hình ảnh siêu âm tuyến giáp khác biệt
+ Theo dõi định kỳ 6 tháng/lần với các bệnh nhân có nang tuyến giáp, nhân tuyến giáp – Trirads 3 và hình ảnh nhu mô tuyến giáp không đều, giảm âm, tăng tưới máu.
+ Chọc hút kim nhỏ nang tuyến giáp để chẩn đoán tế bào với các bệnh nhân có tuyến giáp – Trirads 4.
+ Xét nghiệm chẩn đoán viêm tuyến giáp tự miễn với các bệnh nhân có hình ảnh nhu mô tuyến giáp không đều, giảm âm và tăng tưới máu.
- Đề tài được nghiệm thu và xếp loại giỏi.
4. Tình hình kháng kháng sinh của vi khuẩn Lậu phân lập được tại bệnh viện Da liễu Hà Nội từ tháng 12/2018 đến tháng 5/2019.
Qua nghiên cứu 191 bệnh nhân có hội chứng tiết dịch niệu đạo, âm đạo được khám và được làm xét nghiệm tại bệnh viện Da liễu Hà Nội từ tháng 12/2018 đến tháng 5/2019 chúng tôi rút ra kết luận sau:
- Tỷ lệ phân lập vi khuẩn Lậu trên số bệnh nhân có hội chứng tiết dịch niệu đạo, âm đạo
– Tỷ lệ phân lập vi khuẩn lậu dương tính: 25,1%
– Lứu tuổi phân lập vi khuẩn lậu tập trung từ 16-40 tuổi đạt 81,3%. Tuổi nhỏ nhất phân lập vi khuẩn lậu dương tính là 14 tuổi, cao nhất là 85 tuổi.
– Tỷ lệ phân lập vi khuẩn lậu dương tính cao nhất ở người hành nghề tự do 69,8%, CCVC 12,5%, sinh viên, học sinh 10,4%.
- Tỷ lệ kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn Lậu phân lập được
– Tỷ lệ kháng kháng sinh nhóm chính Ciprofloxacin cao nhất 100%.
– Tỷ lệ kháng kháng sinh tetracycline và penicillin là 91,7% và 54,2%
-Tỷ lệ nhạy cảm của vi khuẩn lậu đối với kháng sinh Spetinomycin là 100%.
– Tỷ lệ kháng kháng sinh nhóm bổ xung cao nhất là Nalidixic Acid 100%
– Tỷ lệ nhạy cảm của vi khuẩn Lậu đối với nhóm kháng sinh bổ sung cao nhất là Azithromycine 97,9% và Cefotaxim 93,8%.
- Đề tài được nghiệm thu và xếp loại giỏi.
Một số hình ảnh của buổi nghiệm thu đề tài:
Tin bài và ảnh: Phòng Kế hoạch tổng hợp