Bệnh viêm da cơ địa có thể khởi phát ở người trưởng thành. Đa phần các trường hợp chỉ gặp các thương tổn ở da nhưng vì triệu chứng bệnh kéo dài dai dẳng, hay tái phát nên cần có các biện pháp điều trị, phòng ngừa tái phát viêm da cơ địa ở người lớn hiệu quả.
1. Viêm da cơ địa ở người lớn là gì?
Bệnh viêm da cơ địa (còn gọi là chàm thể tạng) là một dạng tổn thương da mãn tính, kéo dài dai dẳng. Bệnh xuất hiện do các yếu tố cơ địa như hệ miễn dịch, di truyền, loại da, tình trạng sức khỏe,… Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 6 tuổi (chiếm 70% các ca bệnh) và chỉ có khoảng 3% người lớn bị viêm da cơ địa.
Viêm da cơ địa ở người lớn có thể gây tổn thương da, đi kèm với hen suyễn, sốt cỏ khô (dị ứng phấn hoa),… Do căn nguyên gây bệnh, tính chất bệnh cùng sự tiến triển phức tạp, hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm cho các trường hợp mắc viêm da cơ địa. Các biện pháp điều trị chủ yếu là kiểm soát, cải thiện các triệu chứng bệnh lý, đồng thời ngăn ngừa biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Do tính chất dai dẳng, viêm da cơ địa có nguy cơ tái phát cao. Tình trạng viêm da cơ địa ở người trưởng thành tái đi tái lại nhiều lần, đi kèm với chế độ chăm sóc không phù hợp có thể gây ra các biến chứng như:
- Tăng nguy cơ mắc bệnh cơ địa như hen suyễn, sốt cỏ khô;
- Viêm da cơ địa bội nhiễm: Trong giai đoạn cấp tính của bệnh, người bệnh có thể bị bội nhiễm do tụ cầu vàng và một số loại vi khuẩn khác. Tình trạng viêm da cơ địa bội nhiễm gây tổn thương da, ngứa ngáy, đau rát và sưng nóng;
- Làm mất tự tin: Viêm da cơ địa dễ để lại thâm sẹo, ngứa ngáy và tái phát nhiều lần tại các vị trí như tay, chân, đầu, mặt, cổ,… gây ảnh hưởng tới ngoại hình, khiến người bệnh mất tự tin và ngại giao tiếp;
- Giảm chất lượng cuộc sống: Viêm da cơ địa ở người lớn có đặc tính tái phát nhiều lần và gây ngứa dữ dội, làm ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ, giảm hiệu suất lao động, học tập,…
2. Triệu chứng viêm da cơ địa ở người lớn
Triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa ở người lớn có sự khác biệt giữa giai đoạn cấp tính và giai đoạn mãn tính của bệnh. Bên cạnh đó, các yếu tố cơ địa, độ tuổi, hệ miễn dịch,… của bệnh nhân cũng có ảnh hưởng tới phạm vi, mức độ tổn thương da và vị trí viêm da.
Viêm da cơ địa thường gây tổn thương ở khuỷu tay, mu bàn tay, lòng bàn tay, ngực, lòng bàn chân, mặt sau đầu gối, lưng hoặc đầu, thường có tính chất đối xứng. Một số trường hợp khác, tổn thương da có thể lan tỏa trong phạm vi lớn như trên toàn bộ thân trên, thân dưới hoặc trên các chi,…
Triệu chứng cụ thể của bệnh như sau:
2.1 Triệu chứng trong giai đoạn cấp tính
- Phát ban màu hồng hoặc đỏ trên da, có kích thước và hình thái đa dạng, thường bằng phẳng, không rõ ranh giới;
- Da phù nề, có dịch tiết, đóng mài;
- Nổi mụn nước hoặc đám sẩn trên ban da. Sau đó, mụn nước vỡ gây chảy dịch tiết;
- Vùng da bị viêm có thể bị nóng rát, sưng đau, ngứa.
2.2 Triệu chứng trong giai đoạn mãn tính
- Vùng da bị viêm có biểu hiện thâm sạm và dày sừng;
- Da có thể xuất hiện nếp nhăn hoặc các vết nứt nẻ;
- Thường bị ngứa ngát, ít đau và nóng rát.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp tại website.