Triệu chứng, biến chứng của bệnh giang mai

N

Trong số các bệnh lây truyền qua đường tình dục thì giang mai được đánh giá là một trong những bệnh nguy hiểm nhất bởi nó đe dọa trực tiếp đến sự sống của người bệnh. Đặc biệt, bệnh giang mai có khả năng lây nhiễm rất nhanh nên việc trang bị kiến thức về bệnh lý này sẽ giúp mỗi người trong chúng ta chủ động phòng ngừa hoặc có biện pháp xử trí bệnh kịp thời, tránh được sự lây lan hay biến chứng nguy hiểm.

Các dấu hiệu và triệu chứng

Dấu hiệu, triệu chứng giang mai xảy ra trong 3 thời kỳ:

  • Thời kỳ 1: Đây là thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài khoảng 3 tuần. Sau đó khi qua thời gian ủ bệnh, bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của săng và hạch. Săng giang mai là một vết trợt nông, hình tròn hay bầu dục, không có gờ nổi cao, kích thước khoảng 0,5 – 2cm, giới hạn rõ và đều đặn, đáy sạch màu đỏ như thịt tươi, nền cứng (vì vậy gọi là săng cứng) và bóp không đau. Săng giang mai thường gặp nhất là ở niêm mạc sinh dục. Ở nữ giới sẽ hay gặp ở môi lớn, môi bé, mép âm hộ. Ở nam giới hay gặp ở quy đầu, miệng sáo, bìu, dương vật… Ngoài ra, săng giang mai có thể gặp ở miệng, môi, lưỡi…Hạch sẽ xuất hiện 5 – 6 ngày sau khi có săng, hạch vùng bẹn sưng to và thành chùm, trong đó có một hạch to nhất gọi là hạch chúa.
  • Thời kỳ 2: Là giai đoạn 45 ngày sau khi có săng giang mai và có thể kéo dài đến 2 – 3 năm. Xuất hiện các tổn thương da và niêm mạc nhưng khi lành thường không để lại sẹo. Xoắn khuẩn giang mai dễ gây nhiễm trùng huyết với các triệu chứng nóng sốt và nổi hạch. Thời kỳ này thường có các biểu hiện lâm sàng như: các dát đỏ hồng rải rác ở thân mình, sẩn giang mai với nhiều hình thái đa dạng (sẩn màu đỏ hồng, thâm nhiễm và có thể có viền vảy xung quanh, sẩn giang mai dạng vảy nến, dạng trứng cá, sẩn hoạt tử…), sẩn phì đại thường hay gặp ở hậu môn và sinh dục, viêm hạch lan tỏa và bị rụng tóc kiểu rừng thưa.
  • Thời kỳ 3: Xuất hiện thường từ 5, 10, 15 năm sau khi có săng với các triệu chứng như săng thương sâu, gôm ở da, xương, nội tạng, tim mạch và thần kinh. Ở giai đoạn này người bệnh ít có khả năng lây nhiễm cho bạn tình vì xoắn khuẩn đã xâm nhập và khu trú vào phủ tạng, không còn ở da, niêm mạc nữa.

Chú ý: Giữa thời kỳ 1 đến thời kỳ 2, giữa thời kỳ 2 đến thời kỳ 3, bệnh có thể không có các triệu chứng lâm sàng. Đó là giang mai kín và được phát hiện chỉ khi nhờ phát hiện huyết thanh.

Biến chứng của giang mai

Bệnh giang mai có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:

  • Xoắn khuẩn giang mai có thể gây tổn thương tất cả các cơ quan quan trọng trong cơ thể.
  • Bệnh giang mai tác động xấu đến da, niêm mạc, mắt đến các cơ quan nội tạng như gan, tim mạch, thần kinh.
  • Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm động mạch chủ, phình động mạch chủ, bại liệt toàn thân, rối loạn tâm thần, viêm gan.
  • Giang mai bẩm sinh có thể gây tử vong cho thai nhi hoặc dị dạng thai sau khi sinh.