Herpes: yếu tố nguy cơ, biến chứng

2

Virus Herpes simplex (HSV) là một loại virus thích da và thần kinh, thường gây ra tình trạng nhiễm trùng tái phát ảnh hưởng đến da, miệng, môi, mắt và bộ phận sinh dục… Bệnh có thể gây ra các biến chứng nhiễm trùng nặng như viêm não, viêm màng não, Herpes sơ sinh…

Yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Herpes bao gồm: 

  • Quan hệ tình dục với người nhiễm HSV-1 hoặc HSV-2.
  • Quan hệ tình dục bằng miệng, hậu môn hoặc âm đạo mà không sử dụng biện pháp bảo vệ (bao cao su, màng chắn miệng).
  • Có nhiều bạn tình.
  • Quan hệ tình dục với người lạ.
  • Đang hoặc có tiền sử mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc nhiễm trùng máu khác (STBBI).

Phụ nữ có nhiều nguy cơ mắc bệnh mụn rộp sinh dục từ bạn tình nam hơn. Nghiên cứu trên các cặp đôi mà trong đó một người nhiễm virus HSV-2 tái phát có triệu chứng (đối tác nguồn) cho thấy tỷ lệ lây truyền hàng năm là 11% – 17% từ đối tác nguồn là nam và 3% – 4% từ đối tác nguồn là nữ.

Bệnh herpes có chữa khỏi được không?

Bệnh herpes nhìn chung không phải bệnh lý gây nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên, nó có thể dẫn tới nhiều biến chứng liên quan tới da, hệ miễn dịch nếu không được điều trị phù hợp. Và hiện nay vẫn chưa có bất kì phương pháp nào có thể điều trị bệnh triệt để. Người bệnh cần áp dụng điều trị duy trì với chế độ chăm sóc phù hợp. Trong đó, trẻ nhỏ là nhóm đối tượng dễ bị tái phát bệnh nhiều với biến chứng nặng. Do đó, việc điều trị tích cực cùng phòng ngừa là rất cần thiết nếu không may bị nhiễm bệnh.

Bệnh Herpes có nguy hiểm không? Biến chứng tiềm ẩn

Tùy từng giai đoạn mà bệnh Herpes có thể gây nguy hiểm hoặc không. Một số biến chứng tiềm ẩn của bệnh là:

  1. Tăng khả năng lây truyền HIV

Nhiễm HSV-2 làm tăng gấp 3 nguy cơ nhiễm HIV. Ngoài ra, những người bị nhiễm cả HIV và HSV-2 có nhiều khả năng lây truyền HIV cho người khác. Nhiễm HSV-2 là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất ở những người nhiễm HIV.

  1. Các biến chứng nghiêm trọng

Ở những người bị suy giảm miễn dịch, kể cả những người bị nhiễm HIV giai đoạn nặng, mụn rộp có thể có các triệu chứng nghiêm trọng và tái phát thường xuyên hơn. Các biến chứng hiếm gặp của HSV-2 bao gồm viêm màng não (nhiễm trùng não) và nhiễm trùng lan tỏa. Nhiễm HSV-1 có thể dẫn đến các biến chứng nặng hơn như viêm não (nhiễm trùng não) hoặc viêm giác mạc (nhiễm trùng mắt).

  1. Mụn rộp ở trẻ sơ sinh

Mụn rộp ở trẻ sơ sinh có thể xảy ra khi trẻ sơ sinh tiếp xúc với HSV ngay từ trong bụng mẹ. Herpes ở trẻ sơ sinh rất hiếm gặp, ước tính xảy ra ở 10 trong số 100 000 ca sinh trên toàn cầu. Tuy nhiên, đây là tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến khuyết tật thần kinh hoặc tử vong. Nguy cơ mắc bệnh mụn rộp ở trẻ sơ sinh lớn nhất là khi người mẹ nhiễm HSV lần đầu tiên vào cuối thai kỳ.