I. Các phương pháp điều trị Bệnh lý ở da bằng công nghệ cao
1. Lentigines
– Lâm sàng: Tổn thương của lentigines là những dát nhỏ, hình tròn, bầu dục, màu đen hoặc nâu. Vị trí tổn thương có thể ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể.
– Cận lâm sang: Hình ảnh giải phẫu bệnh cho thấy đây là một tổn thương sắc tố vùng thượng bì. Có sự kéo dài của nhú bì xuống dưới trung bì, tăng số lượng của các tế bào sắc tố, các tế bào của lớp cơ bản cũng có hiện tượng tăng sắc tố.
– Điều trị: Điều trị Lentigines bằng laser QS Alexandrite hoặc laser QS Yag, liệu trình điều trị 1-3 lần tùy theo mức độ của tổn thương, khoảng cách giữa 2 lần điều trị 3-5 tuần.
2. Tàn nhang
– Lâm sàng: là những đốm, chấm màu nâu hoặc vàng, kích thước nhỏ, vị trí có thể vùng mặt hoặc trên cơ thể. Bệnh tăng lên về mùa hè, tăng dần theo tuổi.
– CLS: Trên hình ảnh giải phẫu bệnh các nhú bì bình thường, lớp đáy tăng sắc tố, số lượng sắc tố bình thường, nhưng tế bào sắc tố và các hạt melanosome lớn hơn bình thường.
– Điều trị: bước sóng lựa chọn là 532nm, hoặc 755nm, kích thước chấm 2-3mm, liệu trình 1-3 lần, khoảng cách giữa 2 lần điều trị 3-4 tuần.
3. Bớt cà phê sữa:
– Lâm sàng: Là những dát màu nâu, ranh giới rõ với vùng da lành, vị trí có thể gặp tại bất kỳ vùng nào trên da, kích thước tổn thương đa dạng.
– CLS: là một rối loạn sắc tố vùng thượng bì với hình ảnh mô bệnh học cho thấy tăng số lượng tế bào sắc tố, có hiện tượng tăng sắc tố ở lớp đáy và lớp sừng
– Điều trị: bằng laser QS Alexandrite hoặc laser QS Yag, 2-4 lần, khoảng cách giữa 2 lần điều trị 4-6 tuần.
4. Bớt Spilus
– Lâm sàng: là những dát màu cà phê sữa mà trên bề mặt có nhiều những chấm tăng sắc tố (đen).
– CLS: Đây là một tổn thương sắc tố vùng thượng bì.
– Điều trị: bằng laser QS Alexandrite hoặc laser QS Yag, liệu trình điều trị 3-4 lần, khoảng cách các lần điều trị 4-6 tuần
5. Bớt Ota và Ito
– Lâm sàng: Hình ảnh trên lâm sàng của bớt Ota là những dát màu xanh hoặc màu nâu, mức độ đậm tăng dần các màu bao gồm: nâu, nâu tím, tím xanh và xanh đen. Vị trí tổn thương vùng mặt, tương ứng vùng chi phối nhánh 1,2 của dây thần kinh số V. Ngoài tổn thương trên da, nhiều bệnh nhân có tổn thương kết hợp ở niêm mạc.
– CLS: mô bệnh học của bớt Ota cho thấy: thượng bì hoàn toàn bình thường, tại trung bì nông, các tế bào sắc tố dẹt, có hình 2 cực, tập trung thành đám.
– Điều trị: Bớt Ota đáp ứng tốt với điều trị laser QS Yag và laser QS Alexandrite, thường cần 6-10 lần điều trị.
Bớt Ito: Tổn thương lâm sàng và mô bệnh học giống bớt Ota với vị trí tổn thương hay gặp là vùng bả vai hoặc phần trên cánh tay. Đáp ứng điều trị của bớt Ito kém hơn so với bớt Ota.
6. Bớt Hori:
– Biểu hiện lâm sàng: là những dát màu nâu hoặc đen tại các vị trí vùng trán, 2 bên thái dượng, 2 bên má, 2 bên mi mắt hoặc cạnh mũi, không kèm theo ngứa hoặc đỏ da. Tổn thương thường đối xứng 2 bên.
– Điều trị: bước sóng lựa chọn 1064nm hoặc 755nm, liệu trình điều trị 4-5 lần, khoảng cách giữa 2 lần điều trị 6-8 tuần.
7. Bớt Becker:
– Biểu hiện lâm sàng: Bớt becker có biểu hiện là dát màu nâu sáng, giới hạn rõ với vùng da lành, nhưng đường viền thương tổn nham nhở, không gọn, trên thương tổn có hiện tượng mọc lông vừa hoặc rậm.
– Điều trị: bao gồm cải thiện sắc tố và triệt lông trên thương tổn. Điều trị bằng laser QS Alexandrite hoặc laser QS Yag.
8. Xóa xăm
– Bằng công nghệ: Laser QS Alexandrite và laser QS Yag
– Liệu trình: 3-5 lần.
9. Trẻ hóa da
– Công nghệ Laser QS Yag kết hợp bôi cacbon
– Liệu trình: 10 lần.
10. Nám má
– Biểu hiện lâm sàng: Thương tổn cơ bản là các dát màu nâu đôi khi đen xạm, kích thước thay đổi bất kỳ, sắp xếp đối xứng ở hai bên má, trán, thái dương và cằm. Thương tổn tập trung thành từng đám, bờ rõ nhưng không đều, có những vết màu sắc đều nhau, nhưng có những vết không đều, không có đỏ da, không bong vảy, không teo da, không ngứa.
– Điều trị: bằng laser QS Alexandrite hoặc laser QS Yag.
11. Tổn thương mạch máu
– Giãn mao mạch: được mô tả trên lâm sàng là một hoặc nhiều mạch máu da giãn vĩnh viễn có thể nhìn thấy được, giãn mao mạch vùng mặt là thể bệnh hay gặp nhất với tỷ lệ 15% ở người lớn.
– Bớt rượu vang: là một tổn thương dị dạng mao mạch, liểu hiện trên lâm sàng là những dát màu đỏ tươi, màu hồng, hoặc tía, vị trí có thể gặp bất kỳ vùng nào trên cơ thể, tuy nhiên thường gặp nhất tại vùng mặt, nhánh 1,2 của dây thần kinh tam thoa (83%).
– Điều trị: IPL kết hợp laser QS Alexandrite.
12. Tăng sắc tố sau viêm:
II. Điều trị laser CO2
1. Các khối u lành tính ở da
– Dày sừng da mỡ: thường gặp ở lứa tuổi >50 do da bị lão hoá. Tập trung nhiều ở vùng mặt, thương tổn nông ở thượng bì. Sau điều trị thường không để lại sẹo và đạt được tính thẩm mỹ cao.
– Hạt cơm phẳng: do vi rút HPV. Sau điều trị bằng laser dễ để lại hiện tượng tăng sắc tố (hết sau 3 tháng).
– U nhú (u mềm treo): nhú màu hồng, có cuống tập trung chủ yếu vùng nếp gấp như mặt, cổ, nách. Điều trị dễ dàng, dễ để lại dát mất sắc tố.
– U tuyến mồ hôi: sẩn giống màu da, kích thước 2-3 mm, tập trung nhiều ở quanh mắt và thái dương, đôi khi ở trán và môi trên. Tiến triển nhiều năm. Sau điều trị dễ để lại sẹo phẳng mất sắc tố.
– U hạt viêm: xuất hiện sau sang chấn. Tổn thương có nhiều mạch máu nuôi dưỡng nên khi đốt dễ chảy máu.
– Tăng sản tuyến bã: sản rải rác vùng mặt, tiến triển chậm, khi bốc bay lớp thượng bì thấy xuất hiện nhiều nhân trắng.
– Hạt kê (Milia): sẩn 1-2mm, nhân trắng, tập trung chủ yếu ở vùng quanh mắt, má.
– Hạt cơm sùi: do virus, hay gặp ở thân mình, và ở vùng tì đè có thể đau., kích thước to nhỏ khác nhau.
– Mắt cá: do dị vật đâm vào, hay gặp ở vùng tì đè như bàn chân, bàn tay, đi lại đau.
– Adenoma sebaceous : bệnh xuất hiện từ nhỏ, có tính chất di truyền, vị trí hay gặp vùng mũi- miệng. Sẩn giống màu da, không có nhân, ranh giới rõ.
– Sùi mào gà: là bệnh lây truyền qua đường tình dục, do virus HPV type 6,8 gây nên. Thương tổn là nhú mềm màu đỏ thịt tươi. Vị trí ở bộ phận sinh dục, đôi khi có thể gặp ở niêm mạc miệng.
– Nốt ruồi, u hắc tố lành tính: chỉ định laser khi tổn thương nhỏ hơn 3 mm, nằm ở thượng bì. Đối với trường hợp lớn hơn 5mm phải chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên một số vị trí đặc biệt không có chỉ định phẫu thuật thì có thể điều trị bằng laser CO2.
2. Xoá nếp nhăn: áp dụng bằng laser siêu xung. Cần lưu ý tăng săc tố sau điều trị.
3. Các khối u ác tính ở da
– Ung thư biểu mô đáy:
+ Ung thư biểu mô đáy thể nông
+ Nhiều tổn thương, người già yếu không có chỉ định phẫu thuật.
– Ung thư biểu mô gai:
+ Có nhiều tổn thương, rông, giới hạn không rõ với vùng dầy sừng do ánh sáng (khi bốc bay đến lớp nhú bì cần kiểm tra lại bằng kính phóng đại để quan sát tổ chức bệnh lý đã được lấy hết chưa).
+ Laser CO2 kết hợp với TCA để lột tổ chức dày sừng ánh sáng ở xung quanh cùng một lúc.
4. Một số chỉ định tương đối
* Thương tổn mạch máu
– U máu đơn độc
– U xơ mạch máu
– U mạch sừng hoá
– U hạt nung mủ
* Thương tổn sắc tố thượng bì
– Lentigo
– Tàn nhang
– Dát sắc tố ở môi
* Hình xăm
* Một số tổn thương dày sừng
– Lichen phẳng
– U vàng chun
– Sẩn cục
5. Laser CO2 được sử dụng như một lưỡi dao mổ trong điều trị móng chọc thịt.
III. Phẫu thuật thẩm mỹ
1. Phẫu thuật sửa sẹo xấu
2. Phẫu thuật các bớt bẩm sinh
3. Phẫu thuật móng chọc thịt
4. Phẫu thuật u vàng chun
5. Phẫu thuật nốt ruồi
6. Phẫu thuật u mềm treo
7. Phẫu thuật hẹp bao qui đầu
Hình ảnh một số máy điều trị công nghệ cao tại bệnh viện da liễu Hà Nội
Tin bài và ảnh: Khoa Phẫu thuật laser-VLTL-CSD