ĐẠI CƯƠNG, TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG VÀ CẬN LÂM SÀNG CỦA BỆNH LẬU
- Đại cương
Bệnh lậu là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục hay gặp, do song cầu khuẩn Gram âm Neisseria gonorrhoeae gây ra.
Bệnh lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục đường âm đạo, đường miệng và đường hậu môn. Ở nam giới, nhiễm lậu cầu thường gây ra viêm niệu đạo, nếu không được điều trị có thể dẫn đến viêm mào tinh hoàn, hẹp niệu đạo và vô sinh. Ở nữ giới, nhiễm lậu cầu nếu không điều trị có thể dẫn đến viêm tiểu khung, tắc vòi trứng, chửa ngoài tử cung và vô sinh. Trẻ sơ sinh có mẹ bị bệnh lậu có thể bị lây nhiễm trong quá trình chuyển dạ, dẫn đến viêm kết mạc mắt.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong năm 2020, thế giới có khoảng 82,4 triệu trường hợp lậu mới mắc, trong đó khu vực Tây Thái Bình Dương có 23,2 triệu ca. Đồng nhiễm Chlamydia trachomatis được phát hiện ở 10-40% số người mắc bệnh lậu.
- Triệu chứng lâm sàng
Thời gian ủ bệnh ở nam giới trung bình từ 3-5 ngày. Ở nữ giới thời gian ủ bệnh thường kéo dài hơn, trung bình 5-7 ngày. Thời gian này người bệnh không có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng lây lan cho người khác.
2.1. Nhiễm lậu cầu không biến chứng
– Nam giới: thường có biểu hiện tiết dịch niệu đạo và tiểu buốt. Khám thấy dịch tiết niệu đạo có thể ít hoặc nhiều, nhầy hoặc mủ.
– Nữ giới: thường không có triệu chứng cơ năng, dưới 50% bệnh nhân có tiết dịch âm đạo bất thường, tiểu buốt, đau vùng bụng dưới và đau khi quan hệ tình dục. Khám thấy dịch âm đạo và viêm cổ tử cung, có thể có mủ. Phần lớn bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng nên không được phát hiện và điều trị.
– Lậu trực tràng: phần lớn không có triệu chứng ở cả hai giới; đôi khi có đau hoặc tiết dịch ở hậu môn, trực tràng.
– Lậu hầu họng: chủ yếu không có triệu chứng, có thể đau họng nhẹ và viêm họng.
2.2. Nhiễm lậu cầu có biến chứng
– Ở nam giới, nhiễm lậu cầu không được điều trị có thể dẫn đến viêm mào tinh hoàn, hẹp niệu đạo và vô sinh. Nguy cơ biến chứng tăng lên khi bị tái nhiễm nhiều lần.
– Ở nữ giới, nhiễm lậu cầu không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm tiểu khung, viêm nội mạc tử cung, viêm vòi trứng và áp xe vòi trứng, chửa ngoài tử cung và vô sinh.
– Ở trẻ sơ sinh, viêm kết mạc mắt do lậu có biểu hiện chảy mủ ở mắt và sưng mí mắt, nếu không được điều trị có thể dẫn đến loét, sẹo giác mạc và mù.
- Cận lâm sàng
3.1. Nhuộm Gram
– Nhuộm Gram thấy song cầu Gram âm hình hạt cà phê nằm trong và ngoài bạch cầu đa nhân trung tính.
– Là xét nghiệm dễ làm, ít tốn kém và có giá trị giúp chẩn đoán sơ bộ bệnh lậu, đặc biệt là ở bệnh nhân nam có triệu chứng. Tuy nhiên, chỉ 50-70% trường hợp lậu không triệu chứng ở nam giới là dương tính với nhuộm Gram, do đó nhuộm Gram âm tính không đủ để loại trừ bệnh.
– Xét nghiệm nhuộm Gram ít tin cậy hơn đối với bệnh phẩm cổ tử cung và trực tràng do độ nhạy thấp (độ nhạy khi soi bệnh phẩm cổ tử cung là 30-50%).
3.2. Nuôi cấy
– Nuôi cấy phân lập lậu cầu trên môi trường Thayer-Martin chứa vancomycin là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh (độ nhạy đối với lậu niệu đạo và cổ tử cung là 85-95%), đồng thời xác định được sự nhạy cảm của vi khuẩn lậu với kháng sinh qua kháng sinh đồ.
– Việc phân lập N. gonorrhoeae một cách tối ưu đòi hỏi phải lấy bệnh phẩm tốt, cấy kịp thời vào môi trường nuôi cấy thích hợp, vận chuyển đúng cách và ủ trong môi trường thích hợp.
– Vị trí lấy bệnh phẩm có tỷ lệ dương tính cao nhất ở nam giới là niệu đạo, ở nữ giới là cổ tử cung.
3.3. Xét nghiệm khuếch đại axit nucleic (Nucleic acid amplification tests – NAATs)
– Xét nghiệm khuếch đại axit nucleic (hay còn gọi là xét nghiệm khuếch đại gen, trong đó có xét nghiệm PCR) để phát hiện axit nucleic của vi khuẩn lậu.
– Độ đặc hiệu và độ nhạy cao (độ nhạy trên 90%), cao hơn so với nuôi cấy, có thể sử dụng nhiều loại bệnh phẩm như nước tiểu, dịch âm đạo, cổ tử cung và dịch niệu đạo. Các kĩ thuật NAATs khác nhau có độ nhạy khác nhau, bệnh phẩm trực tràng và hầu họng thường có độ nhạy thấp.
– Xét nghiệm NAATs phổ biến nhất hiện nay là Real time PCR đa mồi, thường kết hợp chẩn đoán cùng lúc hai bệnh lậu và Chlamydia.
– Hạn chế: không cung cấp được thông tin về tính nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh.