Từ thời xa xưa, bệnh thủy đậu từng được xem là bệnh đậu mùa nhẹ, điều này chứng minh cho việc bệnh được xếp vào nhóm bệnh nhẹ. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể trở nên nghiêm trọng ở người bệnh không được chăm sóc y tế, không tuân theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Một số biến chứng bệnh thủy đậu có thể gây nguy hiểm
- Nhiễm khuẩn da, mô mềm, xương, khớp và nhiễm trùng máu là biến chứng thường gặp nhất. Chính các vết mụn nước vỡ ra, lại ngứa khó chịu nên nhiều người dùng tay bẩn “xâm phạm” vết thương hoặc vệ sinh không đúng cách dẫn đến chảy máu bên trong, nhiễm trùng. Đây là biến chứng thường gặp ở trẻ nhỏ không “kìm chế” được mụn nước đang ngứa ngáy khó chịu.
- Viêm não là biến chứng có thể xảy ra ở trẻ em và người lớn nhưng người lớn gặp nhiều hơn, có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời. Biến chứng thường xuất hiện sau 1 tuần người bệnh nổi mụn nước. Khi gặp biến chứng này, người bệnh có thể kèm theo các triệu chứng sốt cao, hôn mê, co giật, rối loạn tri giác, rung giật nhãn cầu. Biến chứng này có thể gây tử vong nếu không chữa trị kịp thời.
- Viêm phổi thủy đậu với biểu hiện ho nhiều, ho ra máu, khó thở, tức ngực là biến chứng thủy đậu thường xảy ra ở người trưởng thành, vào ngày thứ 3 – 5 sau khi bệnh khởi phát.
- Viêm thận, viêm cầu thận cấp cũng là biến chứng do thủy đậu gây ra, ban mọc muộn vào ngày thứ 3, thứ 4 của bệnh. Dấu hiệu dễ quan sát nhất là người bệnh đi tiểu ra máu, suy thận.
- Viêm khớp tràn dịch cũng gặp ở các thể nặng, các khớp có viêm và tràn dịch, ít khi thành mủ. Chưa kể, ở một số trường hợp, bệnh thuỷ đậu có thể kết hợp với một bệnh truyền nhiễm khác cùng xuất hiện như bạch hầu, ho gà, sởi. Khi mắc cùng lúc nhiều dạng bệnh này thì tình trạng người bệnh thường nặng lấn át lâm sàng bệnh thuỷ đậu.
Biến chứng khác
Nếu một người đã bị thủy đậu vẫn có nguy cơ bị một biến chứng khác, đó là bệnh zona. Vi rút gây bệnh thủy đậu varicella-zoster vẫn còn tồn tại trong các tế bào thần kinh sau khi vết mụn nước nhiễm trùng trên da đã lành. Nhiều năm sau, nếu cơ thể lớn tuổi hoặc hệ miễn dịch suy yếu thì vi rút đó có thể tái hoạt động và tái phát thành bệnh zona – một đám mụn nước gây đau đớn trong thời gian ngắn. Cơn đau do giời leo có thể kéo dài sau khi mụn nước này biến mất. Triệu chứng đau này được gọi là chứng đau dây thần kinh dạng postherpetic và có thể nghiêm trọng.
Ngoài ra, người bệnh thủy đậu có thể gặp một số biến chứng như viêm tai giữa và tai ngoài, viêm niêm mạc miệng, viêm cơ tim, viêm hạch lympho, viêm dây thần kinh, hội chứng Croup giả, viêm thanh quản do các nốt mụn thủy đậu mọc ở khu vực này gây lở loét, nhiễm trùng gây sưng tấy. Hay biến chứng mất nước, hội chứng sốc nhiễm độc, hội chứng Reye ở trẻ em và thanh thiếu niên dùng thuốc aspirin trong điều trị bệnh thủy đậu.
Những đối tượng dễ bị biến chứng khi mắc thủy đậu gồm: Trẻ sơ sinh có mẹ chưa từng bị bệnh thủy đậu hoặc chưa chủng ngừa; thai phụ chưa mắc bệnh, người suy yếu miễn dịch như HIV, hóa trị, dùng thuốc ức chế miễn dịch, hen suyễn,…